Mỗi một doanh nghiệp khi bắt đầu kinh doanh đều cần xây dựng cho mình một chiến lược cụ thể. Tất nhiên, trên con đường đó không thể tránh khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ trong cùng lĩnh vực. Do đó, việc xây dựng và triển khai chiến lược khác biệt hóa trở nên vô cùng quan trọng đối với một doanh nghiệp.
Chiến lược khác biệt hóa là gì?
Chiến lược khác biệt hóa thực chất là một chiến lược kinh doanh nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm/ dịch vụ để giúp nó nổi bật hơn so với đối thủ, nhằm mang lại sự hiệu quả trong việc thu hút khách hàng mục tiêu.
Cụ thể, khác biệt hóa sản phẩm là chiến lược có thể tập trung vào giá cả hàng hóa hấp dẫn, tính năng sản phẩm độc đáo, chất lượng hay hình ảnh sản phẩm nổi bật đề để giành được sự quan tâm và thị phần từ phía khách hàng.
Theo Philip Kotler: “Sự khác biệt hóa là hành động thiết kế những điểm khác biệt để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Một sản phẩm khác biệt khi bản thân nó mang tính độc đáo. Nó có thể phân biệt dựa trên hình thức, hình dạng, chất lượng, độ bền, độ tin cậy, khả năng sửa chữa, kiểu dáng, thiết kế hoặc một số tính năng khác của sản phẩm.”
► Xem ngay: Chiến lược là gì? Mục tiêu, vai trò và cách xây dựng
Tầm quan trọng của chiến lược khác biệt hóa
Tạo ra điểm khác biệt
Nhờ việc tập trung thiết kế các sản phẩm có tính độc đáo, khác biệt và mang lại giá trị cao cho khách hàng. Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm giúp doanh nghiệp tạo ra điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường.
Đây là yếu tố chính khiến khách hàng chọn sản phẩm của bạn mà không phải là đối thủ. Và nó sẽ trả lời cho câu hỏi của nhiều người quan tâm “Tại sao tôi lại chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn?”
Giảm thiểu cạnh tranh
Chiến lược khác biệt hóa giúp giảm thiểu sự cạnh tranh về giá và thu hút khách hàng bởi các giá trị độc đáo mà sản phẩm mang lại. Khách hàng sẽ ít quan tâm đến giá cả khi sản phẩm thực sự đáp ứng đúng nhu cầu và có giá trị sử dụng vượt trội.
Ngoài ra, sản phẩm khác biệt cũng tạo ra rào cản gia nhập thị trường cho các đối thủ mới. Đối thủ phải có nhiều nguồn lực và thời gian để nghiên cứu và phát triển sản phẩm tương tự.
Thiết lập Brand Loyalty
Tính năng sản phẩm độc đáo, khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Khi khách hàng đã quen với việc sử dụng sản phẩm của bạn, họ sẽ ít có xu hướng chuyển sang thương hiệu khác.
Hãy cố gắng phát triển sản phẩm, nâng cao dịch vụ mỗi ngày để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt khi họ vẫn tin tưởng sử dụng sản phẩm của bạn.
Tối ưu hóa lợi nhuận
Khác biệt hóa mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp bởi sản phẩm có thể định giá bán cao hơn, đồng thời chi phí chăm sóc khách hàng sẽ được tiết kiệm nhờ sự trung thành đã được thiết lập từ đầu .
Ngoài ra, chiến lược khác biệt hóa còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp thị và chốt sales nhờ vào sự độc đáo của sản phẩm. Người tiêu dùng cũng dễ nhận biết và ghi nhớ các đặc điểm nổi bật của sản phẩm.
Các loại chiến lược khác biệt hóa tốt nhất
Chiến lược khác biệt hóa về tính năng sản phẩm
Áp dụng chiến lược này sẽ giúp bạn thiết kế ra các tính năng và công dụng độc đáo cho sản phẩm. Những điểm khác biệt đó có thể là áp dụng công nghệ mới, thiết kế sáng tạo, tích hợp sử dụng các tiện ích… với mục đích cuối cùng là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, cũng như sự kỳ vọng của khách hàng.
Một ví dụ điển hình của chiến lược khác biệt hóa ta có thể thấy từ thương hiệu Apple với chiếc điện thoại iPhone. Nó luôn dẫn đầu thị trường với nhiều tính năng độc đáo như màn hình cảm ứng, camera selfie, nhận diện khuôn mặt… Chiến lược của họ đặc biệt thành công khi mọi thời điểm ra mắt sản phẩm mới đều nhận được sự chú ý và quan tâm lớn từ phía khách hàng.
Chiến lược khác biệt hóa về giá cả
Khi nghĩ đến giá cả, thường chúng ta sẽ nghĩ đến việc cung cấp sản phẩm với mức giá thấp hơn thị trường, nhưng sản xuất sản phẩm với mức giá cao cũng là một chiến lược để giúp bạn trở nên khác biệt. Bạn không nghe nhầm đâu!
Giá thấp sẽ giúp thu hút khách hàng nhạy cảm về giá, tăng khả năng cạnh tranh với mức giá hấp dẫn. Ví dụ hãng hàng không giá rẻ AirAsia, VietJet đưa ra mức giá vé máy bay thấp hơn nhằm thu hút phân khúc khách hàng trẻ tuổi và có mức thu nhập trung bình.
Giá cao hơn dựa trên cung cấp giá trị và lợi ích vượt trội cho sản phẩm để khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn. Điển hình như thời gian gần đây chúng ta biết đến Thái Công – một thương hiệu đang “làm mưa làm gió” trên nền tảng Tiktok nhờ áp dụng chiến lược khác biệt hóa, các sản phẩm đồ nội thất của Thái Công có giá bán cao gấp nhiều lần các sản phẩm tương tự nhờ thương hiệu, chất lượng cao cấp. Qua đó thu hút được rất nhiều sự quan tâm và tương tác.
Chiến lược khác biệt hóa về chất lượng
Khác biệt hóa có nhấn mạnh vào điểm khác biệt về chất lượng, độ bền của sản phẩm so với các đối thủ cùng phân khúc. Doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu tốt hơn, quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm chất lượng cao thường có tuổi thọ, độ bền cao hơn, ít hỏng hóc và chi phí bảo trì thấp. Như ô tô của Toyota nổi tiếng bền bỉ, ít xảy ra tình trạng hỏng hóc so với các hãng khác.
Chiến lược khác biệt hóa về dịch vụ
- Tập trung vào việc cung cấp dịch vụ khách hàng, nhằm mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
- Đào tạo nhân viên chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả.
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, bảo hành, bảo trì tốt. Xử lý nhanh chóng các vấn đề của khách hàng.
Chiến lược này thường dành cho những doanh nghiệp đã “trung hòa” về “điểm khác biệt trong sản phẩm”. Họ sẽ sử dụng dịch vụ như những “điểm cộng” để tạo ra sự thiện cảm với thương hiệu.
Cụ thể như Thế giới di động nổi tiếng với dịch vụ phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện. Các chế độ khuyến mãi, hậu mãi, chăm sóc khách hàng luôn được đánh giá cao.
Chiến lược khác biệt hóa về thương hiệu
Khác biệt hóa về thương hiệu giúp xây dựng một hình ảnh gần gũi, in sâu trong tâm trí khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông, quảng cáo. Chiến lược thương hiệu thường thể hiện sự khác biệt thông qua hình ảnh, giá trị, câu chuyện độc đáo. Nó tạo ra sự gắn kết với khách hàng ở cấp độ cảm xúc, không chỉ về chức năng sử dụng sản phẩm.
Ví dụ: Thương hiệu Biti’s với slogan “Nâng niu bàn chân Việt” đã tạo ấn tượng với khách hàng Việt Nam và trở thành một trong những thương hiệu giày dép hàng đầu trong nước.
Các bước xây dựng chiến lược khác biệt hóa hiệu quả
Xác định xem bạn muốn được biết đến vì điều gì?
Đầu tiên bạn phải xác định được chuyên môn của mình trong lĩnh vực này, hãy đánh giá xem điều gì quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn. Và bạn đang hướng đến giá trị cuối cùng đó là gì. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nghiên cứu đối tượng mục tiêu, phân tích các điểm mạnh – yếu và xác định các giá trị cốt lõi của công ty.
Nghiên cứu đối tượng mục tiêu
Nghiên cứu giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu và điều chỉnh các chiến lược sao cho phù hợp với mong muốn của khách hàng. Khi hiểu được đối tượng mục tiêu, bạn hoàn toàn có thể hình thành chiến lược khác biệt hóa. Điều này góp phần làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn, cũng như giải quyết được nỗi đau của khách hàng.
Hình thành các điểm khác biệt hóa
Được cộng hưởng từ quá trình nghiên cứu, đây là bước các điểm khác biệt hóa được hình thành và phát triển. Các điểm này có thể dựa trên tính năng, chất lượng, giá cả, dịch vụ hay nhận thức về hình ảnh thương hiệu.
Xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo
Câu chuyện thương hiệu là điểm độc đáo lớn nhất, khiến cho đối thủ không thể bắt chước theo bạn được. Đó có thể là một câu chuyện về nguồn gốc, mục đích và giá trị doanh nghiệp. Một câu chuyện chân thật, có sự liên kết cùng tầm nhìn và sứ mệnh sẽ là điểm chạm hoàn hảo khiến bạn trở nên khác biệt trong lòng khách hàng.
Ví dụ về chiến lược khác biệt hóa của Trung Nguyên Legend
Trung Nguyên Legend là thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên, là doanh nghiệp cà phê lớn và nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Trung Nguyên Legend cũng đang đưa hương vị cà phê Việt Nam chinh phục ra thị trường quốc tế (hiện tại đã có mặt ở hai thị trường lớn là Trung Quốc và Việt Nam).
Đi vào chủ đề chính, với chiến lược khác biệt hóa sản phẩm của Trung Nguyên Legend, họ muốn quảng bá rằng cà phê của họ mang lại năng lượng, sự tỉnh táo, sáng tạo và nguồn cảm hứng dồi dào.
Với việc sử dụng hạt cà phê chất lượng cao, công thức rang xay độc đáo, riêng biệt tạo ra hương vị đậm đà riêng cho những người thích cảm nhận vị cà phê. Về không gian trải nghiệm, Trung Nguyên Legend thiết kế một không gian mang phong cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra không gian thưởng thức cà phê tận hưởng và giao lưu văn hóa với nhau.
Song song đó là họ xây dựng câu chuyện thương hiệu bằng cách đưa các hình ảnh gần gũi, gắn liền với tinh thần khởi nghiệp của người Việt. Không chỉ là một thương hiệu thông thường, Trung Nguyên Legend muốn trở thành một biểu tượng văn hóa, truyền cảm hứng và khơi dậy tiềm năng của con người Việt Nam.
Bài viết cùng chủ đề:
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS