Trong cuộc sống hằng ngày, bạn có biết rằng, đôi khi bạn không cần phải nói ra bất cứ điều gì mà chỉ cần thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, ánh mắt, giọng điệu,… đã giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả với người khác mà không cần phải sử dụng ngôn ngữ.
Vậy những gì đang đề cập ở trên đó là loại giao tiếp gì? Thì đây là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ. Cụ thể giao tiếp phi ngôn ngữ là gì? Tại sao nó lại quan trọng và có mấy loại giao tiếp này? Mọi thông tin sẽ được PMS trình bày ngay tại bài viết dưới đây!
Giao tiếp phi ngôn ngữ là gì?
Giao tiếp phi ngôn ngữ (Nonverbal Communication) là hình thức truyền đạt thông tin với nhau mà không cần sử dụng từ ngữ hoặc ngôn ngữ nói. Chẳng hạn như:
- Ngôn ngữ cơ thể: cử chỉ, tư thế, dáng điệu, sử dụng không gian cá nhân,…
- Giọng nói: âm sắc, âm điệu, ngữ điệu, tốc độ nói, giọng cao, giọng trầm,,…
- Biểu cảm khuôn mặt: sắc mặt, nét mặt, ánh mắt, nụ cười, nhíu mày, cắn môi,…
- Ngoại hình: trang phục, trang sức, kiểu tóc,…
- Đụng chạm: bắt tay, ôm, vỗ vai,…
Nếu chỉ trình bày khái niệm ra như vậy sẽ có nhiều người chưa hình dung cụ thể thế nào là giao tiếp phi ngôn ngữ đúng không? Nếu vậy, chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ trong thực tế giúp bạn dễ hình dung hơn
Ví dụ, khi bạn đi vào một quán cà phê và muốn gọi cà phê để uống, lúc này bạn có thể sử dụng cử chỉ giơ tay hoặc vẫy tay để nhân viên phục vụ có thể thấy và đến phục vụ ngay. Sau khi thưởng thức xong ly cà phê tại quán, bạn có thể mỉm cười để thể hiện sự thân thiện, hài lòng với chất lượng sản phẩm và dịch vụ phục vụ tại quán.
Tại sao giao tiếp phi ngôn ngữ lại quan trọng trong cuộc sống?
Theo Wikipedia, giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm tới ⅔ trong giao tiếp, nó có thể diễn đạt thông điệp qua qua giọng điệu, cử chỉ và ký hiệu cơ thể. Trong đó, ký hiệu cơ thể bao gồm các đặc trưng vật lý, các cử chỉ và ký hiệu có ý thức hoặc vô thức, cũng như sự giao thoa của không gian cá nhân.
Nếu ngôn ngữ cơ thể không truyền đạt thông điệp chính xác, sẽ dẫn đến thông điệp không rõ ràng. Ví dụ, trong những tình huống như thu hút ứng viên hoặc trong phỏng vấn việc làm, giao tiếp phi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng để tạo ra ấn tượng ban đầu. Trong thực tế, thời gian để tạo ra ấn tượng trung bình chỉ khoảng 4 giây khi tiếp xúc.
Khi gặp gỡ hoặc tương tác lần đầu với người khác, sự ảnh hưởng đến nhận thức của một cá nhân rất mạnh mẽ. Khi nhận thông điệp từ người khác, họ tập trung vào môi trường xung quanh, sử dụng tất cả các giác quan để tương tác, cụ thể: 83% thị giác, 11% thính giác, 3% khứu giác, 2% xúc giác và 1% là vị giác.
Các loại phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ phổ biến
Cử chỉ (Gesture)
Các cử chỉ chuyển động là cách để truyền đạt ý nghĩa mà không cần sử dụng lời nói, các cử chỉ này có thể là vẫy tay, vẫy gọi, chỉ tay, gật đầu,… Tuy nhiên, ý nghĩa của những cử chỉ này có thể thay đổi tùy thuộc vào ngữ cảnh.
Ví dụ, khi bạn là người dẫn đoàn xe máy trên đường và bắt gặp ổ gà hay cảnh báo nguy hiểm phía trước. Lúc này bạn có thể ra hiệu cho mọi người bằng cách ra tín hiệu xòe 5 ngón tay và hạ xuống để nhắc mọi người giảm tốc độ lại để tránh và có thời gian xử lý cho an toàn.
Biểu cảm khuôn mặt (Facial Expressions)
Sẽ thật bất ngờ khi bạn có thể giao tiếp cho người khác bằng khuôn mặt mà không cần nói ra bất cứ lời nào. Việc sử dụng các biểu cảm của cơ mặt nhằm để truyền đạt thông điệp, cảm xúc và ý định mà không cần sử dụng lời nói. Các biểu cảm này sẽ bao gồm vui vẻ, buồn bã, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, thờ ơ, khinh thường,…
Ví dụ thực tế, khi bạn đi ăn tại một quán ăn vỉa hè, nhân viên tỏ vẻ thái độ và phục vụ không chu đáo. Lúc này, biểu cảm trên khuôn mặt sẽ thể hiện sự khó chịu, bực bội và sẽ không quay lại đó để thưởng thức món ăn nữa.
Tư thế (Posture)
Các tư thế của cá nhân có thể truyền đạt một loạt thông tin, bất kể tích cực hay tiêu cực. Tư thế phản ánh mức độ tập trung hoặc liên quan của người tham gia, sự khác biệt trong trạng thái của những người tham gia giao tiếp và mức độ quan tâm của cá nhân đối với những người khác, dựa trên “sự cởi mở” của cơ thể.
Có nhiều kiểu tư thế cơ thể khác nhau nhưng sẽ thường mô tả một số tư thế nhất định cụ thể: khoanh tay, bắt chéo hai chân, dang rộng hai chân, hất hàm, đẩy vai về phía trước,…
Giao tiếp bằng mắt (Eye Gaze)
Giao tiếp qua ánh mắt là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ hiệu quả, chẳng hạn như nhìn chằm chằm, chớp mắt, nhìn đi chỗ khác… Hoạt động giao tiếp bằng mắt thường dùng để đánh giá mức độ trung thực của một người.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người dùng mắt để biểu hiện sự thích thú, nó bao gồm việc ghi nhận tần số của cử động nháy mắt và sự di chuyển của lông mày. Do đó, khi cá nhân thể hiện sự quan tâm, đồng tử sẽ giãn ra.
“Hãy tạo ra lượng giao tiếp bằng mắt khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Trừ khi văn hóa của họ không cho phép, người biết điều khiển ánh mắt thường được tín nhiệm hơn những người không điều khiển ánh mắt.” – Allan Pease
Xúc giác (Haptics)
Xúc giác hay tiếp xúc, hiểu đơn giản là hình thức giao tiếp pho ngôn ngữ với mục đích truyền tải thông điệp như sự chào hỏi, chúc mừng, thân quen, tình cảm, sự cảm thông,… bằng cách thể hiện qua việc tiếp xúc với người khác như cái ôm, cái bắt tay, cái vỗ vai, cái chạm nhẹ, hôn (má, môi, tay),…
Những ý nghĩa được thể hiện bằng việc tiếp xúc phụ thuộc sâu vào văn hóa, bối cảnh tình huống, mối quan hệ và cách thực hiện tiếp xúc.
Không gian cá nhân (Personal Space)
Không gian cá nhân là một vùng không gian vô hình xung quanh mỗi người, được coi là lãnh thổ riêng của họ. Đây là khoảng cách mà mỗi người cảm thấy thoải mái khi có người khác ở gần. Kích thước của không gian cá nhân có thể thay đổi tùy thuộc vào từng tính cách, đặc điểm cá nhân, văn hóa, tình huống hoặc mức độ thân thiết với nhau.
Thông thường, khoảng cách giao tiếp giữa người yêu là 30cm; khoảng cách cho gia đình, bạn bè là 50cm – 1.2m và đối với người lạ sẽ từ 1.2m – 3.5m.
Theo ngữ điệu (Paralinguistics)
Giao tiếp theo ngữ điệu là cách bạn sử dụng nhịp điệu, âm lượng, cao độ, ấm sắc,… của giọng nói để truyền tải thông điệp đến người nghe.
Trong một nghiên cứu của Christopher K. Hsee và đồng nghiệp, nhóm nghiên cứu đã đánh giá chỉ số vui/buồn của một người và phát hiện ra sự thay đổi nhỏ nhất trong ngữ điệu có thể tạo ra tác động gấp 4 lần so với các biểu hiện cảm xúc trong một bộ phim không có âm thanh.
Vẻ bề ngoài (Appearance)
Lựa chọn trang phục ăn mặc, tạo kiểu cho tóc và các yếu tố ngoại hình của chúng ta cũng được coi là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ. Có vẻ phần này sẽ khó hiểu đối với một số người, thì hiểu đơn giản chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn sau đây:
- Trang phục: Quần áo bạn mặc sẽ cho người khác biết bạn là một người như thế nào chẳng hạn như bạn có địa vị xã hội, nghề nghiệp của bạn làm gì, sở thích và cá tính riêng của bạn. Ví dụ, bạn mặc bộ đồ hiphop, phụ kiện chất chơi điều này thể hiện bạn là một người có cá tính, chất riêng.
- Kiểu tóc: Kiểu tóc có thể phản ánh cá tính và phong cách sống của bạn. Ví dụ, bạn có mái tóc xoăn thường được hiểu là người tự do và sáng tạo.
- Phụ kiện: Phong cách sống và cá tính của bạn cũng thể hiện qua việc bạn đeo trang sức như thắt lưng, túi xách,… Ví dụ, bạn đeo ít phụ kiện ra đường nhưng nó lại phù hợp với outfit thể hiện bạn là người tinh tế, đơn giản.
Giao tiếp phi ngôn ngữ là phương tiện giúp bạn truyền đạt thông tin, cảm xúc và ý định đến người khác hiệu quả mà không cần dùng đến ngôn ngữ. Với những gì mà PMS đã trình bày ở trên, mong rằng bạn sẽ hiểu và biết cách sử dụng nó hợp lý.
Có thể bạn quan tâm: khóa học kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS