Mô hình PEST – Phân tích để hiểu rõ môi trường kinh doanh

Mô hình PEST luôn được xem là công cụ vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp trong việc theo dõi, bao quát bức tranh toàn cảnh về các môi trường bên ngoài có thể tác động đến doanh nghiệp? Vậy những môi trường đó là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây.

mô hình pest

Mô hình PEST là gì?

Mô hình PEST là công cụ phổ biến và quan trọng không thể thiếu trong các doanh nghiệp, mục đích của mô hình này là để phân tích môi trường kinh doanh, đánh giá tác động của những yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

PEST là viết tắt của 4 yếu tố chính thuộc môi trường vĩ mô đó là: Political (chính trị), Economic (kinh tế), Social (xã hội) và Technological (kỹ thuật).

4 yếu tố chính của mô hình PEST

các yếu tố chính của pest

Political (Chính trị)

Bao gồm các quy định của chính phủ cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường và môi trường kinh doanh. Các yếu tố liên quan đến chính trị trong mô hình PEST có thể bao gồm:

Sự ổn định về chính trị của đất nước: Liên quan đến cách thức ngoại giao cũng như những xung đột chính trị (nếu có). Khi thể chế chính trị của một đất nước luôn trong tình trạng ổn định sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngược lại, một đất nước bất ổn về chính trị sẽ khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo hướng bất lợi.

Sự can thiệp của chính phủ: Chính phủ có thể khuyến khích, tích cực tài trợ cho doanh nghiệp nếu lĩnh vực kinh doanh của họ đảm bảo hợp pháp và đem lại hình ảnh, lợi ích tích cực cho mọi người, tuy nhiên trong một số trường hợp trái với quy định, đôi khi chính phủ sẽ có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn thậm chí là ngăn cấm.

Tuân thủ pháp luật và các chính sách thuế: Đây là yếu tố mà ai làm kinh doanh cũng đều phải có sự am hiểu sâu sắc và tích cực chấp hành, vừa đảm bảo an toàn cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp vừa kịp thời nắm bắt những sửa đổi bộ luật (nếu có) một cách nhanh chóng để đưa ra những điều chỉnh thích hợp.

Economic (Kinh tế)

Các yếu tố kinh tế sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm:

Tăng trưởng kinh tế: Khi nền kinh tế của một đất nước thuộc nhóm phát triển hoặc đang phát triển sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn là một đất nước chậm phát triển hoặc tốc độ tăng trưởng kinh tế có chiều hướng đi xuống.

Tỷ giá hối đoái: Một đồng tiền mạnh có thể khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn khi chúng khiến cho tỷ giá ngoại tệ tăng lên gây ảnh hưởng tới cán cân thương mại.

Tỷ lệ lạm phát: Sự lạm phát gia tăng sẽ khiến người tiêu dùng điêu đứng khi phải mua sản phẩm/dịch vụ với giá thành quá cao. Bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh vì họ khó có thể dự đoán chính xác chi phí và doanh thu dự kiến trong tương lai.

Lãi suất: Khi lãi suất cao có thể khiến cho ý định đầu tư của doanh nghiệp bị cản trở bởi họ phải chi phí nhiều hơn để trả lãi suất khi vay vốn.

Thu nhập khả dụng của người tiêu dùng: Sự phát triển kinh tế của một đất nước là cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của mỗi cá nhân. Khi thu nhập thấp, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, họ sẽ chỉ tập trung ưu tiên mua các mặt hàng thiết yếu.

Social (Xã hội)

Các yếu tố thuộc về xã hội tác động mạnh đến hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng cũng như cách mà doanh nghiệp thích ứng để lên các chiến lược Marketing hợp lý cho từng nhóm khách hàng, các yếu tố đó bao gồm

Các tiêu chuẩn về văn hóa: Doanh nghiệp cần xác định những cách thức, xu hướng tiêu dùng của khách hàng ở mỗi vùng miền để tiếp cận một cách phù hợp, tránh các hình thức tiếp thị sai lệch với tiêu chuẩn và giá trị văn hóa của mỗi vùng miền.

Phân bố lứa tuổi: Dân số già hay trẻ sẽ quyết định xu hướng tiêu dùng cho từng sản phẩm tương ứng. Ví dụ như các sản phẩm được ưu tiên dành cho trẻ con như đồ chơi còn các sản phẩm ưu tiên cho người lớn tuổi như máy đo huyết áp, thuốc dinh dưỡng,..

Thái độ nghề nghiệp: Tạo ra các quan điểm của người tiêu dùng hay lao động đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó. Điều này có thể tạo nên sự thuận lợi, đôi khi là cả khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm/dịch vụ.

Sự an toàn: Các tiêu chuẩn về sức khỏe cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn đang ngày càng gắt gao, do đó nó ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Chẳng hạn như sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không bao giờ được người tiêu dùng ưu tiên bằng các sản phẩm có mẫu mã rõ ràng.

Technological (Công nghệ)

Công nghệ ngày nay đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Chúng được xem là cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp.Bao gồm:

Sự phát triển của công nghệ mới: Bao gồm những công nghệ tân tiến như: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp định hướng để sáng tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ mới mẻ hơn, nhưng đồng thời cũng là thách thức khi doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật kỹ đối thủ cạnh tranh để bắt kịp với họ.

Tốc độ thay đổi công nghệ: Những công nghệ mới liên tục xuất hiện và thay thế công nghệ cũ với tốc độ đến chóng mặt, không phải ngẫu nhiên mà nhiều sản phẩm điện thoại chỉ có thể sản xuất trong một thời gian nhất định trước khi ngừng sản xuất để cho ra đời những dòng sản phẩm mẫu mã mới hơn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có sự thích ứng những thay đổi và liên tục cập nhật những sản phẩm mới để không bị tụt hậu.

Lợi ích và hạn chế của phân tích PEST

Lợi ích 

  • Giảm thiểu các ảnh hưởng và tác động từ những mối đe dọa tiềm ẩn bên ngoài đến doanh nghiệp.
  • Các yếu tố của mô hình có nhiều cơ sở để khai thác phân tích với mọi lĩnh vực
  • Khuyến khích sự phát triển tư duy chiến lược nhờ vào tầm nhìn rộng mở bên ngoài doanh nghiệp
  • Khai thác các cơ hội mới có thể có.

Hạn chế

  • Các yếu tố trong PEST biến động rất nhanh, nên khó để dự đoán chính xác tác động của chúng đến hiện tại và trong tương lai
  • Khuôn khổ đơn giản dẫn đến việc không thể đánh giá cụ thể mức độ tác động của từng yếu tố
  • Rủi ro khi có quá nhiều thông tin trong phân tích PEST có thể khiến người dùng không đánh giá được mức độ quan trọng của các yếu tố.
  • PEST chỉ tập trung phân tích môi trường bên ngoài mà hoàn toàn bỏ qua môi trường bên trong và các đối thủ cạnh tranh.

Các ví dụ về PEST của các doanh nghiệp lớn

Mô hình PEST của Vinamilk

mô hình pest của vinamilk

Về chính trị: 

Tại Việt Nam các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là đối với các dòng sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng như sữa tiệt trùng, thanh trùng, trong quá trình hoạt động Vinamilk đã luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các yếu tố về thể chế, luật vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành.

Về kinh tế: 

Nền kinh tế Việt Nam đang càng ngày càng phát triển, tác động tích cực vào nhu cầu tiêu dùng sữa của mọi gia đình Việt

Khi Việt Nam gia nhập WTO (tổ chức thương mại quốc tế), tạo nên cơ hội cũng như thách thức liên quan đến việc xuất khẩu cũng như cải tiến sản phẩm sữa

Giá bò giống có xu hướng tăng khiến Vinamilk buộc phải đẩy mức giá bán cho các sản phẩm sữa của mình

Về xã hội:

Mức sống của người dân ngày càng cao tạo điều kiện cho thị trường tiêu thụ sữa thêm phát triển.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng do thiếu chất ở Việt Nam vẫn còn khá cao, mà các dòng sữa của Vinamilk đều có những dưỡng chất cần thiết cho trẻ em đang trong quá trình phát triển.

Không chỉ có trẻ em mà nhu cầu sử dụng sữa để chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Về công nghệ:

Công nghệ sản xuất sữa bột dạng sấy đang dần chuyển từ “gõ” sang thổi “khí”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng năng suất sản xuất sữa để tiêu thụ ngoài thị trường.

Áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp bảo quản sản phẩm sữa được lâu hơn

Các sản phẩm sữa được cam đoan quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO giúp khách hàng cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi sử dụng các sản phẩm sữa của Vinamilk

Mô hình PEST của Shopee

mô hình pest của shopee

Về chính trị:

Việt Nam trong vài năm gần đây đang bắt đầu có những điều luật về an ninh mạng rõ ràng hơn để ngăn chặn các hành vi đánh cắp thông tin, dữ liệu người dùng. Qua đó giúp Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng.

Ngoài ra, hệ thống quy định về pháp luật cũng như quản lý thuế tại Việt Nam thường xuyên được cập nhật, sửa đổi kịp thời, cùng với tình hình chính trị của Việt Nam đang trong giai đoạn ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho Shopee tiếp tục phát triển bền vững.

Về kinh tế:

Mức thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng mua sắm, ngoài ra, người tiêu dùng đã dần chuyển hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến do ảnh hưởng từ giai đoạn giãn cách xã hội, đây là cơ hội vô cùng tốt để nền tảng mua hàng trực tuyến dần thay thế được phần nào hình thức mua sắm trực tiếp.

Shopee đã dần trở thành nền tảng phổ biến nhất trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi tính đến quý 1/2024, theo số liệu của Younet ICI, Shopee vẫn đang dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam khi nó chiếm 67,9% thị phần theo giá trị giao dịch (GMV), với doanh số đạt 53,74 nghìn tỷ đồng trong quý đầu tiên 2024.

Về xã hội:

Nền tảng thương mại điện tử bao lâu nay luôn bị đặt những nghi vấn về chất lượng sản phẩm, vì người tiêu dùng không được tận tay sờ, nắm, sử dụng sản phẩm trước khi đến được tay khách hàng.

Tuy nhiên với Shopee mall, các gian hàng chính hãng với những sản phẩm đã vượt qua quá trình kiểm duyệt kỹ càng đang phần nào xóa đi những lo ngại của người tiêu dùng.

Về công nghệ:

Cùng với sự phát triển của các app mobile và giá thành của Smartphone đang càng đa dạng hơn cho mọi phân khúc khách hàng đã giúp cho cơ hội tiếp cận nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam là khá lớn. Theo nghiên cứu của We Are Social và Datareportal có 78.44 triệu người dùng Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 79.1% trên tổng dân số (99.19 triệu người).

Qua báo cáo cho thấy, số người dùng Internet tại Việt Nam tăng thêm 502 nghìn người (+0.6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi người sẽ dành hơn 6 giờ để sử dụng Internet.

Phân tích PEST và SWOT: Bạn nên dùng cái nào?

so sánh pest và swot

Khi doanh nghiệp sử dụng mô hình PEST, mô hình này sẽ giúp tổ chức trong việc phân tích những yếu tố mang tính vĩ mô bên ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên nhược điểm của mô hình này là không đề cập đến đối thủ cạnh tranh cụ thể và những yếu tố bên trong doanh nghiệp. Do đó nếu chỉ sử dụng đơn thuần PEST trong kinh doanh, sẽ rất khó khăn trong doanh nghiệp trong việc tận dụng các điểm mạnh và cải thiện các điểm yếu cho doanh nghiệp.

Còn đối với SWOT, nó có thể khắc phục các nhược điểm của PEST, khi có thể phân tích cả các yếu tố bên trong và cả bên ngoài doanh nghiệp. Cũng như định vị rõ ràng đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp là gì để nắm bắt chính xác điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức. Nhưng bù lại SWOT không thật sự phân tích đủ sâu về những yếu tố bên ngoài, vì vậy nếu chỉ áp dụng đơn thuần mô hình này có thể dễ mắc phải các rủi ro khi kinh doanh cũng như bỏ qua các cơ hội có thể tận dụng.

Từ đó suy ra khi một doanh nghiệp muốn tìm ra điểm mạnh để xây dựng hình ảnh thương hiệu, và phát hiện ra điểm yếu để tìm cách khắc phục chúng thì nên chọn SWOT bên cạnh đó, khi muốn tìm những cơ hội mới để phát triển cũng như nhận định được thách thức để lên chiến lược quản trị rủi ro, phát triển doanh nghiệp phù hợp thì có thể kết hợp mô hình PEST.

Tại khóa học quản trị rủi ro doanh nghiệp của Học viện PMS, với sự đào tạo từ đội ngũ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo doanh nghiệp, học viên sẽ được định hướng các kiến thức lý thuyết song song đó là được chủ động thực hiện cơ chế giám sát hoạt động của các doanh nghiệp để kiểm soát hiệu quả các rủi ro có thể xảy ra của doanh nghiệp thông qua các bài tập mô phỏng tình huống đa dạng linh hoạt.

Đăng ký nhận bản tin

Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *