Khi nhắc đến chiến lược, chúng ta thường hình dung đến lĩnh vực quân sự, nhưng hiện tại khái niệm này đã len lỏi vào trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ xã hội, thể thao và cả lĩnh vực kinh tế. Từ thập kỷ 60, cụm từ chiến lược kinh doanh đã xuất hiện và mang trong mình nhiều sứ mệnh quan trọng. Nhưng cho đến những năm 70 vấn đề chiến lược kinh doanh mới bắt đầu phổ biến và được xem như một yếu tố không thể thiếu – là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Chiến lược kinh doanh là gì?
Chiến lược kinh doanh là kế hoạch tổng thể của một tổ chức được ban lãnh đạo thiết lập và triển khai nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Đây là bản đồ chiến lược cho sự phát triển của công ty trong tương lai, từ việc xác định tầm nhìn và mục tiêu đến cách thức triển khai và phân bổ nguồn lực để đạt được những mục tiêu đó.
Các thành phần chính của một chiến lược kinh doanh
Tầm nhìn và mục tiêu
Tầm nhìn và mục tiêu là hai yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng một bản chiến lược kinh doanh.
- Tầm nhìn là khát vọng, giấc mơ của doanh nghiệp, định hướng cho sự phát triển và vị trí của doanh nghiệp trong tương lai.
- Còn mục tiêu là những kết quả cụ thể mà doanh nghiệp muốn đạt được trong một thời gian nhất định.
Việc xác định tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng và chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng và tập trung vào những mục tiêu quan trọng, tránh lãng phí thời gian, công sức và nguồn lực vào những hoạt động không mang lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp.
Phạm vi chiến lược
Xác định những lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp sẽ đầu tư, hướng tới để đạt được các mục tiêu chiến lược. Ví dụ như địa bàn kinh doanh, kích thước nhóm khách hàng, các loại hình dịch vụ nào…
Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi là các giá trị chủ đạo mà doanh nghiệp tin tưởng và chấp nhận. Đây là những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là nền tảng để xây dựng và phát triển bản chiến lược kinh doanh. Chúng đại diện cho tôn chỉ và niềm tin của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến mọi quyết định và hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ, giá trị cốt lõi của Google là “Don’t be evil”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Google đạt được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cho người dùng.
Bảng phân tích SWOT
Phân tích SWOT là điều nên làm để xây dựng chiến lược kinh doanh tốt. Nó giúp doanh nghiệp đánh giá và xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của mình để có thể tận dụng và đối phó hiệu quả.
Chiến thuật và triển khai hoạt động
Chiến thuật là lời giải cho các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Nó bao gồm những hành động cụ thể để đạt được mục tiêu và định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Chiến thuật có thể bao gồm các kế hoạch marketing, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường hay cải tiến quy trình sản xuất.
Khi đã xác định chiến thuật, doanh nghiệp cần triển khai và thực hiện chúng một cách hiệu quả. Điều này yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ phận trong tổ chức để đảm bảo hoạt động được thực hiện đúng theo lộ trình và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Nguồn lực và phân bổ nguồn lực
Để thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn lực và phân bổ chúng một cách hợp lý. Nguồn lực ở đây không chỉ là tài chính mà còn bao gồm cả nhân lực, vật lý và các tài nguyên khác. Phân bổ nguồn lực đúng mức và đúng chỗ sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tối ưu hóa hiệu quả của các hoạt động kinh doanh.
Đo lường và phân tích
Cuối cùng, việc đo lường và phân tích là điều cần thiết để đánh giá và cải tiến hiệu quả của chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp cần có các chỉ số và mục tiêu rõ ràng để theo dõi và đánh giá sự tiến bộ của mình. Từ đó, họ có thể điều chỉnh và cải tiến bản chiến lược của mình để đạt được kết quả tốt hơn.
Tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh
Tại sao chiến lược kinh doanh lại cần thiết và quan trọng đến vậy? Vì nó cung cấp cho doanh nghiệp một kế hoạch cụ thể và chi tiết để đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn và phát triển bền vững. Nó giúp doanh nghiệp định hướng và tập trung vào những mục tiêu quan trọng, tránh việc làm việc riêng lẻ và thiếu thống nhất trong tổ chức.
Ngoài ra, chiến lược kinh doanh còn giúp doanh nghiệp đối phó với sự biến đổi và thay đổi trong môi trường kinh doanh. Nếu có một bản chiến lược rõ ràng và hiệu quả, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng và tạo ra các chiến lược linh hoạt để đáp ứng các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.
Cuối cùng, chiến lược kinh doanh là công cụ để đánh giá và đo lường sự tiến bộ của doanh nghiệp. Nó cung cấp cho doanh nghiệp các chỉ số và thông tin quan trọng để theo dõi và đánh giá hiệu quả của các hoạt động kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh và cải tiến chiến lược của mình để đạt được kết quả tốt hơn.
Các nguyên tắc để thiết lập chiến lược kinh doanh hiệu quả
Thấu hiểu thị trường
Tất nhiên rồi, trước khi bắt đầu làm một điều gì đó thì bạn cần thấu hiểu về nó trước đã. Hãy thực hiện nghiên cứu để nắm bắt nhu cầu thị trường, sức mua cũng như những cơ hội mà bạn có thể tận dụng.
Vì mỗi một thị trường là mỗi đặc tính khác nhau thế nên để bắt đầu xây dựng và xác định chiến lược kinh doanh, bạn cần thực hiện nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc và kỹ càng. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là tìm một thị trường ngách và làm tốt nhất những gì bạn có thể trước khi tính đến những thị trường lớn hơn.
Xác định đối tượng khách hàng
Muốn thiết lập chiến lược kinh doanh hiệu quả, bạn cần hiểu rõ mục tiêu đang nhắm đến là ai? Họ đang cần gì? Từ đó bạn mới biết nên mang lại giá trị gì cho khách hàng của mình.
Nguyên tắc này là phương pháp hữu ích giúp cải thiện khả năng mua hàng. Thêm vào đó, chi phí phải chi trả cho hoạt động chiến lược Marketing cũng được tiết giảm đáng kể nhờ việc tập trung vào đúng người – đúng thời điểm. Một điều cần lưu ý là xác định đúng đối tượng thôi là chưa đủ, hãy thật sự cung cấp những giá trị có thể thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.
Xem thêm: Customer insight: Lợi ích và cách xác định insight khách hàng
Cạnh tranh để khác biệt
Nguyên tắc mà bạn cần phải ghi nhớ, hãy tạo ra sự khác biệt hóa. Xây dựng cho mình một chiến lược độc đáo và tránh đi vào lối mòn của các đối thủ cạnh tranh. Khi xây dựng được một chiến lược độc nhất, cơ hội dành cho doanh nghiệp sẽ rộng mở hơn. Bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn khách hàng mới cùng thị trường màu mỡ khác.
Cạnh tranh vì lợi nhuận
Đa số, mục đích cuối cùng của mọi chiến lược kinh doanh đều mong muốn mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình. Đây quả là một nguyên tắc hết sức thiết yếu, chỉ khi có lợi nhuận doanh nghiệp mới có thể tiếp tục duy trì và phát triển.
Và cạnh tranh là một điều hiển nhiên xảy ra trên con đường này, mục đích của nó không gì khác là để tạo ra lợi thế nhằm mang về lợi nhuận cách tối ưu nhất.
Không ngại thay đổi
Trong thời đại này, ban lãnh đạo không chỉ cởi mở hơn mà còn rất khuyến khích cho những ý tưởng sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt là đổi mới dựa trên nền tảng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Xã hội phát triển, kéo theo sự thay đổi về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Thế nên việc đổi mới để phù hợp với xu thế là một điều tất yếu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là thay đổi để làm gì? Tất nhiên thay đổi để tốt hơn, để tạo ra nhiều cơ hội bứt phá và bắt kịp với xu hướng mới. Nếu bạn luôn cổ hủ với cách làm truyền thống, chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ khác.
Tư duy hệ thống
Là nguyên tắc cần có giúp công việc xây dựng chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. Tư duy hệ thống giúp bạn khắc phục những yếu điểm của một con người – đó là phán đoán chúng ta không thể hoàn toàn đúng 100%.
Từ đó, hệ thống tư duy ra đời – là việc phân tích có cơ sở, dựa trên những số liệu thực tế về thị trường, khách hàng, đối thủ… Giúp bạn đưa ra các giả định chính xác cho sự phát triển hiệu quả.
Hãy học cách nói không
Việc xác định xem liệu chúng ta nên làm gì và không nên làm gì là một nguyên tắc quan trọng, Khi đã “biết mình biết ta” bạn sẽ nhận ra có nhiều điều buộc chúng ra phải “say no”.
Ví dụ như việc doanh nghiệp phải nói “không” khi muốn mở rộng thị trường nhưng những dự đoán lại mang về kết quả không khả quan. Hay việc phải từ chối khi có lời mời hợp tác kinh doanh chẳng hạn.
Cách đo lường sự hiệu quả của một chiến lược kinh doanh
Các chiến lược kinh doanh chỉ mang lại hiệu quả khi chúng tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng doanh số hoặc khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Bạn cũng có thể đánh giá sự thành công của kế hoạch chiến lược bằng cách thiết lập và theo dõi các chỉ số KPIs.
Một số chỉ số KPI thường được dùng để đo lường khi triển khai một chiến lược kinh doanh như:
Hiệu quả hoạt động:
- Doanh thu bán hàng
- Số lượng khách hàng
- Tỷ lệ giữ chân khách hàng
- Tỷ lệ chuyển đổi
- Giá trị đơn hàng trung bình
Lợi thế cạnh tranh
- Thị phần
- Vị trí trên thị trường
- Tỷ lệ giành được doanh số
- Nhận thức về thương hiệu – báo chí nhắc đến
- Vị thế biên độ lợi nhuận so với mức trung bình của ngành
- Tăng trưởng doanh số so với mức trung bình trong ngành
Hiệu suất tài chính
- Lợi nhuận gộp
- Lợi nhuận ròng
- Dòng tiền tự do
- Dòng tiền hoạt động
Nếu các chỉ số này có xu hướng tích cực thì chiến lược đang đi đúng hướng và đem lại hiệu quả cao. Ngược lại, cần xem xét lại chiến lược và có những điều chỉnh phù hợp.
Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc hay cần đến sự trợ giúp tư vấn chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp bạn. Hãy liên hệ với PMS ngay! Từ sự hỗ trợ chuyên môn vô cùng quý báu của đội ngũ chuyên gia, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trong việc thiết lập tầm nhìn, mục tiêu và xây dựng một chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất.
Các bài viết cùng chủ đề:
- Chiến lược giá là gì? Các chiến lược giá và cách xác định
- Chiến lược bán hàng là gì? Cách xây dựng chiến lược bán hàng
- Chiến lược sản phẩm là gì? Vai trò và các loại chiến lược sản phẩm
- Chiến lược phân phối sản phẩm là gì? Cách xây dựng chiến lược phân phối
- Chiến lược xúc tiến là gì? Quy trình thực hiện chiến lược xúc tiến
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS