Chiến lược marketing luôn là chủ đề không bao giờ hết hot. Từ xa xưa hoạt động thương mại cùng sự cạnh tranh trong mua bán đã hình thành nên khái niệm này. Và từ đó, xã hội ngày càng phát triển, marketing cũng dần len lỏi vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trên thực tế, hầu như mọi doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường đều phải làm marketing – không cách này thì cách khác. Vậy để giúp bạn hiểu rõ khái niệm này và rộng hơn là về một chiến lược marketing cụ thể. Đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực marketing hàng đầu của PMS đã nghiên cứu và sẽ giúp bạn tìm hiểu nó ngay tại đây! Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Chiến lược Marketing là gì?
Chiến lược marketing là một bản thiết kế dài hạn và tổng quan các nhiệm vụ cần làm nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, bằng cách hiểu rõ nhu cầu và nỗi đau của khách hàng để mang đến giải pháp nhằm xoa dịu những nỗi đau đó.
Một chiến lược tiếp thị bao gồm nhiều thứ, từ xác định mục tiêu, hiểu rõ chân dung khách hàng đến việc quyết định sử dụng kênh tiếp thị nào để tiếp cận những khách hàng đó. Những hạng mục công việc sẽ được tổng hợp thành một kế hoạch marketing, cùng với đó là một hệ thống đánh giá và lựa chọn chiến thuật hiệu quả để giúp bạn kiểm soát toàn bộ hoạt động marketing của mình.
Một chiến lược tốt sẽ truyền đạt được tầm nhìn của công ty một cách đầy đủ và sáng tạo đến thị trường, khách hàng và cả nhân viên tham gia vào dự án. Nó cũng sẽ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và định hướng để đạt được những mục tiêu đó.
Các thành phần cần có trong Marketing Strategy
Mục tiêu của chiến dịch tiếp thị
Dù theo cách nào, bạn cũng nên phác thảo mục tiêu của mình trước khi xây dựng chiến lược marketing. Tại sao? Mục tiêu này sẽ giúp bạn định hình các thành phần khác trong kế hoạch, bao gồm cả quá trình thiết lập ngân sách và phát triển nội dung.
Với từng mục tiêu, bạn nên cố gắng trình bày càng cụ thể càng tốt. Hoặc có thể vận dụng mô hình SMART để thực hiện điều này tốt hơn. Và cũng đừng quên rằng bạn luôn có thể quay lại và sửa đổi mục tiêu của mình khi có sự thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Ngân sách chiến dịch
Ngân sách là thành phần không thể thiếu trong chiến lược marketing. Nếu không phân bổ đủ ngân sách để xúc tiến các chiến dịch quảng bá thì chiến dịch tiếp thị của bạn sẽ không tạo ra được hiệu ứng mạnh mẽ. Ngược lại, nếu sử dụng quá nhiều ngân sách cho các hoạt động nhưng không thu về được lợi nhuận, doanh nghiệp có thể chịu tốn kém chi phí khá cao.
Nội dung
Nội dung hướng đến người dùng – theo tôi thì đây là điều quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của một chiến lược. Vì vậy, sẽ có những lưu ý mà bạn nên tuân thủ.
Đầu tiên, hãy tôn trọng khách hàng, cung cấp cho họ những giá trị và thông tin cần thiết, đừng đăng tải những nội dung một cách “bộc phát” không có nghiên cứu và không biết điều đó dùng để làm gì. Tiếp theo, hãy “bắt trend một cách thông minh”, tận dụng các xu thế để thúc đẩy khả năng hiển thị của thương hiệu bạn trên thị trường.
Bạn cũng nên biết rằng, một chiến lược marketing content không chỉ gói gọn ở một bài viết, nó có thể là việc sử dụng video, hình ảnh sáng tạo, podcast và nội dung âm thanh khác.
Số liệu và KPI
Thành phần cuối cùng là số liệu thu thập cũng như các chỉ số để đánh giá hiệu quả của công tác quản trị chiến lược. Điều này sẽ giúp bạn hình dung được chiến lược đang tiến triển như thế nào và có những điều chỉnh cần thiết. Các chỉ số KPI có thể đo lường như: Lượt tương tác, tỷ lệ chuyển đổi, thông tin khách hàng tiềm năng, chi phí đã chi tiêu…
Các chiến lược Marketing phổ biến
Chiến lược Marketing Mix
Có 4 chữ P liên quan đến marketing mix. Chỉ một sự thay đổi về thành phần cũng có thể tạo ra thay đổi lớn hoặc nhỏ đối với doanh nghiệp của bạn. Hãy xem xét từng thành phần theo thứ tự dưới đây:
- Sản phẩm hoặc dịch vụ (Product)
Đây là xuất phát điểm. Bạn cần phải xác định chính xác đang bán cái gì? Nó có tác dụng gì? Nó phục vụ mục đích nào? Sản phẩm của bạn thực sự “làm” gì để thay đổi, cải thiện hoặc chuyển hoá cuộc sống của khách hàng.
Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn phải hỏi và trả lời để hình thành chiến lược marketing. Bạn cần xem xét kỹ càng trước khi đưa ra câu trả lời vì đây chính là trọng tâm của hoạt động kinh doanh mà bạn sẽ hướng tới.
- Giá cả (Price)
Thành phần thứ hai trong chiến lược marketing mix là chiến lược giá thành. Hãy xác định xem sản phẩm và dịch vụ của bạn có chi phí sản xuất chính xác là bao nhiêu, bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp? Với mức giá bán bạn đưa ra, liệu bạn có thể thu về lợi nhuận không?
Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa lợi nhuận cao hay thấp. Bạn cần hiểu rằng, việc tăng giá chỉ 1 vài phần trăm nhưng có thể tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận của bạn. Đổi lại, việc giảm chi phí nhưng với chất lượng không đổi có thể thúc đẩy doanh số bán hàng một cách mạnh mẽ. Đây là điều bạn cần xem xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
- Xúc tiến (Promotion)
Một số tài liệu khác sẽ gọi bước này là Quảng bá. Chung quy lại, đây là thuật ngữ dùng để ám chỉ các hoạt động nhằm thông báo cho khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ và thuyết phục họ mua chúng chứ không phải của đối thủ.
Ở đây, bạn cần xác định được: Ai là khách hàng của bạn? Khách hàng của bạn xem trọng cái gì? Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể cung cấp lợi ích gì cho khách hàng mà các đối thủ của bạn không thể?
► Xem ngay: Chiến lược xúc tiến bán hàng hiệu quả
- Địa điểm (Place)
Chữ P thứ tư là địa điểm (Place), nơi bạn sẽ bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn bằng cách nào và ở đâu? Họ sẽ mua nó trực tiếp từ bạn, từ văn phòng hay cửa hàng của bạn? Nó được gửi qua thư hay email?
Chiến lược Marketing cạnh tranh
Chiến lược cạnh tranh là chìa khóa cho thành công về doanh số và lợi nhuận. Việc bạn là người xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể nào đó mà khách hàng đánh giá cao là điều rất cần thiết. Bạn có thể khiến sản phẩm mà bạn cung cấp vượt trội hơn so với sản phẩm của đối thủ sao cho khách hàng sẽ nói rằng: “Đối với tôi, đây là sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất tôi từng được đề nghị sử dụng?”
Bạn định hình lợi thế cạnh tranh của chính mình – lý do khách hàng nên mua sản phẩm của bạn – xét về lợi ích, hoặc những kết quả mà khách hàng sẽ được hưởng từ việc sử dụng chúng.
► Xem ngay: Quản trị Marketing là gì? Tổng quan về quản trị Marketing A-Z
Chiến lược Content Marketing
Rõ ràng, dễ hiểu là điểm lưu ý đầu tiên khi xây dựng nội dung marketing. Ngoài ra, bạn cần lưu ý những điểm sau:
Đầu tiên, hãy tập trung vào việc truyền tải vào những gì khách hàng muốn nhận được. “Hãy cho đi trước khi nhận lấy”. Content trong chiến lược marketing phải tạo ra được giá trị cho khách hàng, chứ đừng tập trung nói về những gì bạn bán, vào việc bạn là ai, hay bạn đã ở trong lĩnh vực kinh doanh này bao lâu rồi.
Thông điệp mà bạn truyền tải thành công là khi thu hút được sự chú ý của khách hàng có nhu cầu, sau đó dẫn dắt họ ra quyết định mua. Đó mới là một chiến lược content đúng nghĩa.
Chiến lược Digital Marketing
Nền tảng trực tuyến hiện nay là một kênh được sử dụng phổ biến. Lợi thế của chiến lược này là dễ dàng tiếp cận nhiều mục tiêu, tập trung vào đúng đối tượng và phân khúc. Từ việc tận dụng nhiều tính năng sáng tạo của digital, hiệu quả mchiến lược marketing được phát huy tối ưu, thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi mua hàng cách mạnh mẽ.
Để có một chiến được digital marketing thành công, bạn cần xây dựng một kế hoạch bài bản, có mục tiêu và chỉ số đo lượng cụ thể. Hãy tìm hiểu cách các nền tảng đó vận hành, khách hàng muốn nhận gì từ đó và thiết kế một lộ trình phù hợp nhất.
Tại sao một chiến lược tiếp thị lại quan trọng?
Trước khi hướng tới mục tiêu gặt hái lợi nhuận, marketing strategy mang đến cho doanh nghiệp nhiều giá trị như:
- Định hướng chiến lược: Giúp doanh nghiệp xác định hướng đi trong mọi quy trình.
- Tập trung đúng đối tượng: Hỗ trợ việc phân tích và hiểu rõ khách hàng mục tiêu. Từ đó điều chỉnh thông điệp và định vị đúng đối tượng, hỗ trợ việc tiếp cận đúng người và mang lại hiệu quả.
- Xây dựng hình ảnh thương hiệu: Chiến lược marketing giúp bạn tạo ra một bản sắc thương hiệu nhất quán và uy tín. Điều này giúp xây dựng sự kết nối trong thương hiệu trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cũng gia tăng độ nhận diện và lòng trung thành của khách hàng.
- Tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư (ROI): Phân tích về xu hướng thị trường, cạnh tranh và hành vi của khách hàng, chiến lược tốt giúp các doanh nghiệp tìm ra những kênh và chiến thuật tiếp thị hiệu quả nhất. Điều này giúp các doanh nghiệp có được lợi nhuận đầu tư tối đa.
► Xem ngay: SWOT là gì? Hướng dẫn phân tích mô hình SWOT chi tiết
Phân biệt chiến lược marketing và chiến dịch marketing
Chiến lược marketing nêu rõ các mục tiêu dài hạn và cách tiếp cận cách tổng thể, trong khi đó kế hoạch marketing lại gồm từng hành động và bước đi chi tiết để đạt được những mục tiêu đó.
Cụ thể hơn thì chiến lược marketing hướng dẫn các hoạt động marketing chung của doanh nghiệp. Marketing strategy bao gồm việc đặt mục tiêu, định vị thương hiệu, nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh.
Nhưng một kế hoạch marketing là lộ trình triển khai các bước chi tiết. Plan vạch ra các hành động và chiến thuật cụ thể để đạt được các mục tiêu của chiến lược marketing.
Các bước xây dựng chiến lược marketing hiệu quả
Nghiên cứu thị trường
Trước khi bắt đầu tạo dựng một chiến lược marketing cụ thể, bạn cần thu thập những dữ liệu cần thiết như kích thước thị trường, sức mua, nguồn cung nguyên vật liệu… và nhiều thứ khác nữa.
Từ việc hiểu rõ những điều này, giúp doanh nghiệp của bạn đưa ra quyết định thực tế nhất. Nó cũng giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hiểu rõ thị trường mục tiêu, tìm ra khoảng ngách và tận dụng tối đa nguồn lực của mình. Quá trình này cũng rất cần thiết để hiểu rõ khách hàng và thích ứng với các xu hướng thay đổi.
Xác định mục tiêu Marketing
Sau khi có đủ dữ liệu cần thiết, bạn sẽ sẵn sàng đặt ra một số mục tiêu. Hãy xác định xem bạn thật sự mong muốn đạt được điều gì từ chiến lược này?
Cho dù mục đích của bạn là nâng cao nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng hay giới thiệu về một sản phẩm mới, thì các mục tiêu được xác định rõ ràng sẽ giúp định hướng chiến lược marketing của bạn một cách rõ ràng.
Lưu ý, mục tiêu chiến lược tiếp thị của bạn nên phản ánh các mong muốn đạt được trong kinh doanh, hướng các chiến lược đến gần hơn với những mục tiêu cuối cùng.
Tại đây, bạn có thể tìm hiểu mô hình SMART để thiết lập mục tiêu được hiểu quả. Mục tiêu sẽ giúp phân bổ nguồn lực, ra quyết định và đo lường sự thành công.
Xác định chân dung khách hàng tiềm năng
Dù cho chiến lược của bạn có là gì đi nữa, thì bạn cũng cần hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình là ai. Hãy nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhóm khách hàng mục tiêu và bối cảnh thị trường. Dữ liệu khách hàng đã thu thập ở bước đầu tiên là thành phần đặc biệt quan trọng ở bước này.
Tuy nhiên, chỉ biết về nhóm khách hàng mục tiêu là chưa đủ. Khi đã xác định được đối tượng khách hàng, bạn cần hiểu rõ họ muốn gì. Không chỉ là nhu cầu và nỗi đau của họ, mà còn là cách sản phẩm của bạn có thể giải quyết vấn đề đó thế nào.
Chân dung khách hàng tiềm năng bạn nên xác định là nhân khẩu học và hành vi, bao gồm: tên, tuổi, chức danh công việc, thu nhập, địa điểm, sở thích và nhu cầu.
Phân tích đối thủ cạnh tranh
Sau khi hiểu rõ về khách hàng, bạn cần biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai.
Hãy nghiên cứu về cách họ hoạt động từ website, nội dung, hình thức quảng cáo và giá cả… Đây là một cách tốt để “biết người biết ta”, qua đó để xác định các cơ hội làm tốt hơn và tạo sự khác biệt nổi bật cho sản phẩm của mình. Nghiên cứu đối thủ cũng giúp bạn hiểu rõ những sai lầm nên tránh, xác định được chiến thuật marketing nào là hiệu quả nhất.
Lựa chọn loại chiến lược Marketing phù hợp
Khi đã biết đầy đủ các thông tin cần thiết, bạn phải xác định xem loại chiến lược nào là phù hợp với trường hợp của bạn. Sẽ có nhiều cách hiểu và phân loại các chiến dịch khác nhau. Tại bài viết này PMS thể hiện các thuật ngữ theo cách phổ biến nhất, cụ thể: Chiến lược Marketing tổng thể, content marketing, hay Low-fidelity marketing…
Lựa chọn kênh tiếp thị
Khi bạn đã biết mình truyền tải điều gì, ai là người đón nhận thì điều tiếp theo cần quyết định là sẽ truyền tải nó ở đâu. Mục tiêu hàng đầu ở bước này là phải lựa chọn kênh truyền thông phù hợp với thói quen sử dụng của nhóm khách hàng mục tiêu.
Hãy cứ bắt đầu với các kênh truyền thông mà bạn đang sử dụng. Sau đó, hãy cân nhắc kết hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số như: mạng xã hội, TV, Email marketing, Podcast, SEO, PR hay influencer.
Thiết lập, theo dõi và phân tích KPI
Đối với những bạn newbie mới vào nghề, đa số các thường quan tâm đến những bước trên. Đó là thiết lập, triển khai, nghiên cứu… nhưng thường bỏ qua công tác ghi nhận và đánh giá mức độ hiệu quả của chiến lược marketing. Vậy đánh giá như thế nào?
Đó cũng không phải là việc nhìn vào con số like, share, comment của các bài đăng. Hễ cứ những con số này cao là chiến dịch đó thành công? Tất nhiên sẽ không dễ dàng như vậy!
Nó sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của bạn để xem xét điều này, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khả năng đọc những con số. Hãy trang bị khả năng phân tích KPI, cách theo dõi số liệu và từ số liệu để hiểu được nhiều câu chuyện đằng sau nó. Qua đó để duy trì sự linh hoạt, tinh chỉnh chiến lược và thích ứng với nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Phác thảo chiến lược
Bước cuối cùng bạn sẽ phác thảo một chiến lược hoàn chỉnh và đưa vào thực tế.
Ví dụ chiến lược marketing thành công của Vina caty
Có vẻ như cái tên Mì tôm thanh long Caty đã không còn xa lạ với khách hàng dạo gần đây, đặc biệt hơn với nhóm đối tượng là các bạn trẻ genZ. Thương hiệu này đã nổi lên như một hiện tượng nhờ việc viral một video clip quảng cáo “không giống ai cả”.
Caty tập trung vào chiến lược Low-fidelity marketing – tạo ra các hình ảnh, video kỳ lạ – độc nhất – chứa đựng yếu tố hài hước. Cùng bàn đạp mạnh mẽ từ kênh phân phối nội dung Tiktok, video này đã đạt hơn 200.000 lượt thảo luận và hơn 4,5 triệu lượt tương tác chỉ trong vòng 7 ngày (theo Social Listening – Kompa).
Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường được 1 năm, nhưng nhờ chiến lược Marketing sáng tạo và thông minh, Vina caty đã thành công trong mục tiêu bao phủ mức độ nhận diện thương hiệu và tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng.
Bài viết liên quan:
- Chiến lược bán hàng của doanh nghiệp là gì? Tầm quan trọng và cách xây dựng
- Chiến lược phân phối sản phẩm là gì? Các bước xây dựng hiệu quả
- Chiến lược sản phẩm là gì? Các chiến lược sản phẩm
- Chiến lược kinh doanh là gì? Tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS