Bạn từng mắc kẹt trong cách suy nghĩ rập khuôn, theo một lối mòn cũ, bạn không tìm ra giải pháp mới mẻ? Đó là lúc bạn cần đến lateral thinking. Một lối tư duy đột phá giúp bạn suy nghĩ “ngoài chiếc hộp” và phá vỡ khuôn khổ tư duy cũ.
Đón đọc bài viết ngày hôm nay, PMS sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết về khái niệm lateral thinking là gì. Cho bạn thấy được các lợi ích nổi bật, cách để đột phá tư duy trong mọi tình huống. Cùng khám phá những kỹ thuật để khơi dậy con người sáng tạo và giải quyết vấn đề trong bạn!
Lateral Thinking là gì?
Lateral thinking còn gọi là tư duy đa chiều, tư duy ngoại biên hay tư duy đường vòng. Lối tư duy này giải quyết vấn đề thông qua các cách tiếp cận gián tiếp và sáng tạo, không đi theo lối mòn cũ. Thay vì tập trung vào các bước lập luận tuần tự, lateral thinking khuyến khích bạn phá vỡ các khuôn suy nghĩ cũ, để khám phá những ý tưởng mới.
Nhà tâm lý học Edward de Bono, người phát minh ra khái niệm tư duy này vào năm 1967, chỉ ra rằng não người thường bị đóng khung bởi các thói quen, tư duy truyền thống.
Ông cũng đã đề cập rằng não người được phát triển trong khuôn “chiếc hộp tư duy” (inside the box). Có thể hiểu rằng não của chúng ta khá lười biếng. Nó thích tìm kiếm những thông tin đã có sẵn, dễ thấy dễ tìm, cho dù là cách đó chưa chắc đã tốt nhất.
Ông nhấn mạnh: “Bạn không thể đào một cái hố mới bằng cách tiếp tục đào sâu cái hố cũ.” (You cannot dig a hole in a different place by digging the same hole deeper).
Lateral Thinking hoạt động như thế nào?
Tư duy gián tiếp
Trái với lối suy nghĩ thông thường, Lateral thinking không tập trung vào việc tìm giải pháp ngay lập tức. Thay vào đó, bạn sử dụng những cách tiếp cận gián tiếp để đặt câu hỏi. Sau đó, tạo ra ý tưởng (brainstorming) từ những nguồn không liên quan trực tiếp tới vấn đề. Điều này giúp não bộ thoát khỏi lối cũ rập khuôn, mở rộng không gian tư duy đa chiều.
Bạn cứ hình dung khi một nhóm thiết kế muốn cải tiến sản phẩm. Thì thay vì hỏi “Làm sao để cải tiến sản phẩm này?”. Họ sẽ hỏi “Sản phẩm này còn giải quyết vấn đề gì nữa không?”. Những câu hỏi như vậy khơi nguồn ý tưởng sáng tạo mới, cách mà tư duy thông thường khó có thể tạo ra.
► Xem ngay: Brainstorm là gì? Các bước Brainstorming tìm kiếm ý tưởng
Phá vỡ lối mòn tư duy
Không giống với tư duy logic thông thường, lateral thinking không yêu cầu tuân thủ các bước lập luận tuần tự. Nó tập trung vào việc tưởng tượng, suy đoán, đặt giả thuyết thay vì bám vào những dữ kiện đã có. Bắt đầu với một ý tưởng điên rồ rồi phát triển nó thành một giải pháp có thể triển khai sau đó.
Ví dụ điển hình là Domino’s Pizza. Họ muốn đảm bảo khách hàng nhận được những chiếc bánh hoàn hảo, không bị rung lắc trong quá trình giao hàng. Thay vì chỉ cải tiến hộp đựng bánh thì họ đi xa hơn bằng cách lắp các ổ gà trên đường giao bánh. Sáng kiến này vừa nâng cao trải nghiệm khách hàng và thu hút sự chú ý tự nhiên từ khách hàng nhiều hơn.
Kết hợp giữa trực giác và sáng tạo
Tư duy đa chiều khai thác trực giác để khai phá những góc độ mới của vấn đề. Thay vì quá tập trung vào kết quả cuối cùng, lateral thinking cho phép bạn tự do tưởng tượng các tình huống mơ hồ hoặc khó đoán trước để tạo ra nhiều ý tưởng mới.
Ví dụ, một hãng vận tải muốn giảm thời gian giao hàng đã sử dụng drone thay vì xe tải truyền thống. Ý tưởng này xuất phát từ việc suy nghĩ bên ngoài lĩnh vực vận tải và áp dụng công nghệ tiên tiến để ứng dụng.
Lateral thinking giúp suy nghĩ Outside of the Box
Nhà tâm lý học Edward de Bono đã nhấn mạnh rằng bộ não của chúng ta được lập trình để tìm kiếm các giải pháp đơn giản và quen thuộc. Nói đơn giản là bộ não chúng ta rất ghét phải suy nghĩ. Nên nó có xu hướng bỏ qua những tiềm năng tiềm ẩn, khả năng chưa được khám phá. Thế thì tư duy đa chiều chính là công cụ để “phá vỡ chiếc hộp tư duy,” đưa bạn đến với các giải pháp sáng tạo không ngờ.
Vậy “Chiếc hộp tư duy” có nghĩa là gì?
“Chiếc hộp” ở đây đại diện cho những giới hạn suy nghĩ bị đóng khung, tạm gọi là rập khuôn tư duy. Đó là những nếp suy nghĩ truyền thống mà chúng ta thường bị mắc kẹt khi nhìn nhận, giải quyết vấn đề.
Chúng ta thường tiếp cận vấn đề bằng cách đối mặt trực diện, sử dụng lý luận tuần tự rồi đưa ra giải pháp theo lẽ thường. Chính vì như vậy, lại khiến chúng ta không nhận ra những rào cản vô hình trong cách nhìn nhận vấn đề của mình. Lâu dần, nó hình thành định kiến, hệ quy chiếu mà chúng ta rất khó nhận biết, nên khó chấp nhận ý kiến khác lạ.
Bạn có thể thấy được đây là lý do vì sao nói lateral thinking lại phá vỡ chiếc hộp tư duy:
- Tập trung vào khía cạnh bị bỏ qua: Thay vì chỉ nhìn vào những dữ liệu đã có, tư duy đa chiều khuyến khích bạn đặt câu hỏi về các yếu tố bị lãng quên, ít được chú ý.
- Thách thức mọi giả định: Chúng ta thường đưa ra quyết định dựa trên những giả định truyền thống. Tuy vậy, lateral thinking dạy bạn đặt câu hỏi ngược lại với chính những giả định đó.
- Tìm cách thay thế: Lateral thinking còn khuyến khích bạn thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Điều này dẫn đến những góc nhìn mới mẻ mà tư duy thông thường khó làm được.
Sự khác biệt giữa Linear thinking và Lateral thinking
Hai loại tư duy này đều giúp chúng ta giải quyết vấn đề, nhưng cách tiếp cận của chúng hoàn toàn khác biệt. Cùng so sánh mỗi loại tư duy dưới đây:
Tiêu chí | Linear thinking (Tư duy tuyến tính) | Lateral thinking (Tư duy đa chiều) |
Khái niệm | Lý luận tuần tự, lập luận theo từng bước, mỗi bước dựa trên kết quả của bước trước đó. | Tư duy sáng tạo, phá vỡ khuôn mẫu, tập trung vào các ý tưởng mới, mang tính đột phá. |
Mục đích | Tìm giải pháp theo một trình tự logic, có cơ sở. | Tìm giải pháp sáng tạo, phá vỡ khuôn khổ truyền thống. |
Phương pháp | Thu thập dữ liệu ➞ Phân tích ➞ Đúc ra kết luận. | Thách thức giả định ➞ Tìm kiếm cách làm khác biệt ➞ Tạo ra giải pháp mang tính đột phá. |
Ứng dụng thực tế | Quản lý dự án, lập kế hoạch, quy trình sản xuất,… | Marketing, thiết kế, liên quan nghệ thuật,… |
Lợi ích | Đảm bảo tính nhất quán, có quy trình rõ ràng. | Khai phá tiềm năng sáng tạo, đưa ra các giải pháp khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. |
Hạn chế | Hạn chế sáng tạo, không linh hoạt trước những tình huống phức tạp. | Đòi hỏi thời gian phát triển ý tưởng, thiếu tính thực tế lúc ban đầu. |
Đổi mới cách nhìn với Lateral thinking
Để đổi mới cách nhìn, lateral thinking cung cấp nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Dưới đây là 4 cách nổi bật để áp dụng tư duy ngoại biên khi bạn muốn thay đổi góc nhìn nhận vấn đề.
Tư duy ngược (Reverse Thinking)
Tư duy ngược khuyến khích bạn thay đổi hướng tiếp cận vấn đề bằng cách đặt câu hỏi theo chiều ngược lại.
Ví dụ, thay vì hỏi “Làm sao để tăng doanh thu?”, thử hỏi “Điều gì làm giảm doanh thu của công ty?”. Khi làm như vậy, bạn sẽ nhận ra đâu là những điểm hạn chế trong hệ thống, để tìm ra những ý tưởng sáng tạo để khắc phục chúng.
Thử lấy một ví dụ để hình dung rõ hơn như một công ty muốn nâng cấp trải nghiệm khách hàng. Áp dụng tư duy ngược bằng cách tập trung vào những điều khách hàng không thích thay vì chỉ cải tiến những điều họ đã hài lòng. Đó có thể là giảm bớt số thời gian chờ thanh toán, mà từ đó làm tăng sự hài lòng của khách hàng.
Phương pháp SCAMPER
SCAMPER đặc biệt hiệu quả trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc tối ưu quy trình làm việc. SCAMPER thúc đẩy sự sáng tạo mạnh mẽ, giúp bạn thay đổi góc nhìn qua cách thực hiện các hành động sau:
- S: Thay thế (Substitute)
- C: Kết hợp (Combine)
- A: Thích nghi (Adapt)
- M: Chỉnh sửa (Modify)
- P: Sử dụng cho mục đích khác (Put to others use)
- E: Loại bỏ (Eliminate)
- R: Đảo ngược (Reverse)
Một ví dụ điển hình là Coca-Cola tại Nhật Bản. Một chiến dịch đã áp dụng SCAMPER để làm mới sản phẩm bằng cách chỉnh sửa (modify) bao bì của chai nước ngọt bình thường. Trong thiết kế này, nhãn chai có thể bóc ra và biến thành một chiếc nơ rực rỡ. Đặc biệt hơn, đây lại là phiên bản giới hạn, tạo cảm giác độc đáo và khan hiếm cho người tiêu dùng trong dịp Giáng sinh. Sáng kiến này vừa làm nổi bật thương hiệu, vừa kích thích khách hàng mua để trải nghiệm sản phẩm.
Phép ẩn dụ ngẫu nhiên (Random Metaphors)
Phương pháp này sử dụng các ẩn dụ ngẫu nhiên để kích thích não bộ tìm kiếm các mối liên hệ không rõ ràng, từ đó tạo ra ý tưởng mới.
Chẳng hạn như khi giải quyết một vấn đề về năng suất làm việc. Bạn có thể liên tưởng nó với dòng chảy của một con sông. Sông có những đoạn nước chảy êm (hiệu quả) và những đoạn cạn khô (trở ngại). Từ đó, bạn xác định được và loại bỏ những rào cản để cải thiện luồng công việc.
6 chiếc mũ tư duy (6 Thinking Hats)
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy do Edward de Bono phát triển. Đồng thời cũng là công cụ mạnh mẽ để cải thiện quá trình ra quyết định và giải quyết vấn đề. Phương pháp này chia tư duy thành sáu loại khác nhau:
- Mũ trắng: Chỉ thu thập dữ kiện và thông tin khách quan, không thêm bất kỳ cảm xúc hoặc ý kiến cá nhân.
- Mũ đỏ: Đánh giá cảm xúc, trực giác và những phản ứng mang tính cá nhân.
- Mũ đen: Tìm kiếm rủi ro, nhược điểm và những điểm yếu của ý tưởng/giải pháp.
- Mũ vàng: Tìm kiếm cơ hội, lợi ích và những giá trị tích cực từ ý tưởng/giải pháp.
- Mũ xanh lá: Khơi gợi ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp khác biệt.
- Mũ xanh dương: Kiểm soát quá trình tư duy, duy trì trật tự, và đảm bảo mọi chiếc mũ được sử dụng đầy đủ.
Lợi ích của Lateral thinking
Đến đây, chắc hẳn bạn đã có thể mường tượng được những lợi ích vượt bậc mà tư duy đa chiều đem lại. Nói thêm rằng, với lối tư duy này, không gì là không thể. Bởi lẽ, ngay chính cái tên cũng đã phản ánh sự bứt phá và vượt qua mọi giới hạn. Cùng điểm qua các lợi ích to lớn của Lateral thinking:
Kích thích sự sáng tạo
Lateral thinking kích thích sự khám phá ý tưởng mới bằng cách phá vỡ lối mòn tư duy cũ. Nhờ đó. chúng ta dễ dàng tìm ra các giải pháp độc đáo cho vấn đề. Đây là công cụ hữu hiệu để kích hoạt trí tưởng tượng và mở rộng biên giới sáng tạo.
Phá vỡ khuôn khổ và đột phá tư duy
Tư duy ngoại biên là cách mà bạn thách thức các giả định cũ. Cho phép chính mình cởi mở và nhìn nhận vấn đề từ các góc độ mới, tránh tình trạng phiến diện, một chiều. Nhờ đó, bạn có thể vượt qua những giới hạn do tư duy kiểu cũ sẵn có. Tạo ra những giải pháp đột phá mà trước đây chưa từng nghĩ đến.
Tăng khả năng giải quyết vấn đề
Lateral thinking giúp bạn tiếp cận vấn đề từ nhiều góc nhìn khác nhau. Một góc nhìn 360 độ chắc chắn mở ra nhiều con đường giải quyết. Trước những tình huống cấp bách cần sự linh hoạt, chính điều này làm tăng hiệu quả và quyết định sẽ mang tính sáng suốt hơn.
Tăng độ chính xác khi đưa ra các quyết định quan trọng
Xem xét kỹ lưỡng các yếu tố tiềm ẩn, kết hợp phân tích vấn đề từ nhiều khía cạnh. Lateral thinking sẽ nâng cao khả năng đưa ra quyết định chính xác ở bạn. Bạn có thể nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, giảm tỷ lệ rủi ro để đạt được kết quả tốt hơn.
6 cách đột phá tư duy đa chiều mỗi ngày
Nếu bản thân cảm thấy khó thoát khỏi các suy nghĩ quen thuộc. Hay đơn giản bạn chợt nhận ra mình muốn thay đổi nhưng hành động lại theo quán tính. Bạn muốn đột phá tư duy, sau đây là 6 kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả để bạn có thể sống theo một cách mới hơn:
Nhận diện khuôn tư duy bạn đang có
Chúng ta thường bị kẹt trong các khuôn tư duy lặp đi lặp lại hằng ngày. Nói cách khác, chúng ta bị mắc kẹt trong tiềm thức. Tiềm thức là thứ khiến việc ra quyết định sẽ dựa hoàn toàn trên dữ liệu hoặc giả định có sẵn.
Trong khi, tư duy ngoại biên giúp bạn ý thức rõ là mình đang bị tiềm thức dẫn dắt. Tức là bạn đang biết mình phán xét từ góc nhìn hạn hẹp. Khi ý thức được, bạn sẽ phá vỡ chúng để tổ chức lại thông tin theo cách mới đi, khác biệt hơn trong tư duy của mình.
Hãy bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?”
Nếu chấp nhận quy trình hiện có mà không đặt câu hỏi thường khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội cải tiến. Hỏi “Tại sao?” và “Làm sao để tốt hơn?” giúp bạn phân tích các yếu tố tiềm ẩn trong quy trình, phá vỡ các định kiến và mở ra những ý tưởng mới để tối ưu.
► Xem ngay: 5 tại sao (5 whys) là gì? Cách áp dụng để tìm ra vấn đề
Sử dụng sơ đồ tư duy (Mindmap)
Sơ đồ tư duy là một cách trực quan đơn giản, giúp bạn phân tích, sắp xếp tổ chức các ý tưởng. Bắt đầu với một vấn đề trung tâm, sau đó phân nhánh ra thành nhiều yếu tố liên quan.
Xem lại tất cả các phương án
Thay vì chỉ tập trung vào giải pháp có thể xảy ra, cách mà chúng ta đang làm hằng ngày. Lateral thinking khuyến khích bạn cân nhắc các cách tiếp cận mới hơn. Ngay cả khi chúng nghe có vẻ xa vời, phi thực tế. Điều bạn có thể làm là cân nhắc và tưởng tượng thật nhiều các góc độ mới, rút ra hướng tiếp cận hợp lý nhất.
Tìm các tác động từ bên ngoài
Thay đổi môi trường làm việc hay tiếp nhận ý kiến từ các nguồn bên ngoài có thể kích thích khả năng tư duy sáng tạo. Chúng ta không biết những thứ chúng ta không biết. Thê nên, lắng nghe ý kiến từ một đồng nghiệp ở bộ phận khác, thậm chí thử làm việc ở một không gian mới sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ một góc nhìn khác đi.
Tái định hình ý tường
Những ý tưởng ban đầu có thể không mấy khả thi. Tuy nhiên, thay vì loại bỏ chúng, thì hãy định hình lại ý tưởng để nhìn nhận từ các góc độ khác. Bằng cách phân tích những rào cản như tài chính, thời gian, nguồn lực,… bạn có thể điều chỉnh ý tưởng để biến chúng thành giải pháp bám sát thực tế hơn.
Lateral thinking sẽ là cánh tay trợ thủ đắc lực để bạn giải quyết vấn đề, khám phá những khả năng chưa từng được nghĩ tới. PMS biết rằng, với tư duy sáng tạo và phương pháp đổi mới, bạn sẽ luôn tiến xa hơn nữa.
Với tư duy đa chiều, thì trong khóa học phương pháp tư duy & giải quyết vấn đề tại PMS, chúng tôi sẽ giúp Học viên biết được quy trình giải quyết vấn đề, xác định, phân tích và cách giải quyết từ đó ra quyết định hiệu quả. Để tìm hiểu rõ thông tin, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hộ trợ tư vấn!
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS