Mục tiêu là gì? Lý do tại sao trong cả công việc và cuộc sống chúng ta đều phải thiết lập một mục tiêu rõ ràng? Khi đã hiểu được tầm quan trọng của mục tiêu thì chúng ta phải thiết lập nó như thế nào?
Mục tiêu là gì?
Mục tiêu là định hướng kết quả mà các cá nhân, tổ chức mong muốn đạt được trong khoảng thời gian nhất định. Dựa vào việc thiết lập ý tưởng thực hiện công việc và chuyển hóa chúng thành những hành động cụ thể kèm với thời hạn hoàn thành.
Tại sao cần phải xác định mục tiêu?
Việc xác định mục tiêu rất quan trọng, mang tính quyết định để xác định công việc cụ thể một cách phù hợp, cụ thể:
- Hướng đến sự thành công: Tạo ra mục tiêu cũng đồng nghĩa với việc ta đang tạo một lộ trình để dẫn đến điếm đích. Nơi đích đến chính là sự thành công mà để đạt được, cần phải vạch ra kế hoạch thực hiện hợp lý cùng mục tiêu rõ ràng.
- Tập trung vào những việc quan trọng: Việc thiết lập mục tiêu giúp bạn định hình rõ ràng những việc cần thiết để tránh sự lạc lối, đâm đầu vào những việc không cần thiết.
- Định hướng hành động: Xác định rõ ràng những hành động để hoàn thành mục tiêu, hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp, cần thiết.
- Đo lường tiến độ công việc: Khi đã thiết lập mục tiêu rõ ràng và cụ thể, bạn sẽ có cơ sở để theo dõi tiến độ công việc và đánh giá kết quả đạt được sau khi hoàn thành có đáp ứng được kỳ vọng không.
- Tạo động lực: Với việc xác định mục tiêu cụ thể và dựa trên mức độ quan trọng của mục tiêu, sẽ tạo cho bạn động lực để cố gắng và tập trung cao độ để hoàn thành công việc thật hiệu quả.
-> Đọc thêm: OKR là gì? Quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt
Phân loại mục tiêu
Phân loại theo thời gian
Mục tiêu ngắn hạn
Đây là mục tiêu mà mọi người có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, thường được tính theo ngày, hoặc tuần hoặc trong vài tháng. Những mục tiêu này dễ đo lường kết quả, mang tính cụ thể cao, nhưng cũng tạo áp lực, thách thức đòi hỏi bạn phải có sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành trong thời gian ngắn.
Ví dụ về mục tiêu ngắn hạn:
- Giảm 1kg trong vòng 1 tuần
- làm xong 5 bài tập về nhà trong 1 ngày chủ nhật
Mục tiêu trung hạn
Là mục tiêu mà cá nhân hoặc tổ chức đề ra để đạt được trong khoảng thời gian trong vài năm, khoảng thời gian đủ dài để bạn đạt được một hay một vài thành tựu nổi bật trong cuộc sống và công việc, góp phần hỗ trợ cho lộ trình thực hiện mục tiêu dài hạn.
Ví dụ về mục tiêu trung hạn:
- Hoàn thành lộ trình học IELTS lên band 6.5 trong 1 năm
- Lên chức từ nhân viên chính thức thành quản lý trong 2 năm
Mục tiêu dài hạn
Là những mục tiêu mà chúng ta phải mất nhiều thời gian mới có thể đạt được, có thể là 5 năm, vài chục năm hoặc có thể cả đời. Các mục tiêu này thường có tính chất vô cùng phức tạp, đòi hỏi cá nhân và tổ chức cần có sự kiên nhẫn, lên chiến lược lâu dài mới có thể đạt được
Ví dụ về mục tiêu dài hạn như:
- Tiết kiệm được 5 tỷ trong vòng 10 năm
- Tích góp trong 20 năm để mua được căn biệt thự 5 tầng.
Phân loại theo chủ thể
Mục tiêu cá nhân
Là mục tiêu mà mỗi cá nhân đặt ra cho bản thân trong công việc và cuộc sống. Có thể bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính, sức khỏe, sự nghiệp, lập gia đình,… Chúng được xây dựng dựa trên sở thích cá nhân, đam mê và hoài bão của mỗi người, do đó mỗi cá nhân mỗi hoàn cảnh sẽ tự đề ra cho mình những mục tiêu không ai giống ai.
Ví dụ về mục tiêu cá nhân:
- Có công việc ổn định
- Hoàn thành khóa học IELTS để đi du học
- Lập gia đình với người ở Hà Nội.
Mục tiêu tập thể
Là những mục tiêu mà cả một tập thể cùng đặt ra và cùng nhau thực hiện dựa trên khối lượng công việc được phân chia rõ ràng, công bằng. Các mục tiêu này thường liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp, làm việc nhóm khi đi học, các môn thể thao đồng đội,…Phải đảm bảo khối lượng phân chia công việc để đạt được mục tiêu là đồng đều nhau về khối lượng, phù hợp với khả năng mỗi cá nhân.
Ví dụ về mục tiêu tập thể:
- Đạt được vị trí ít nhất là á quân ở giải bóng đá cấp tỉnh
- Hoàn thành bài đồ án với điểm từ B+ trở lên
- Chiến lược IMC của phòng Marketing tiếp cận được ít nhất 1 triệu người dùng mạng xã hội trong 6 tháng.
Mục tiêu theo cấp bậc
Mục tiêu đơn giản
Thường là những mục tiêu được đề ra một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và dễ đo lường kết quả. Những mục tiêu này đúng như tên gọi, hầu như không có sự phức tạp, dễ dàng thực hiện và hoàn trong thời gian ngắn
Ví dụ về mục tiêu đơn giản:
- Đọc 15 trang sách một ngày.
- Học được 10 từ vựng tiếng anh mới mỗi ngày
- Mỗi ngày lau nhà ít nhất 1 lần.
Mục tiêu phức tạp
Là mục tiêu đòi hỏi mỗi cá nhân hay tập thể cần phải dành nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực để hoàn thành do có tính chất phức tạp cao, không thể làm xong trong thời gian ngắn, cần sự tập trung cho việc suy nghĩ, lên ý tưởng.
Ví dụ về mục tiêu phức tạp là:
- Bỏ dứt điểm thói quen hút thuốc lá trong vòng 1 tháng
- Hoàn thành dự án xây dựng cây cầu dây văng mới
- Hoàn thành bài nghiên cứu khoa học với điểm A.
6 bước đặt mục tiêu
Bước 1: Xác định được mục tiêu
Bạn nên đặt cho mình ngay từ đầu mục tiêu cụ thể và rõ ràng về những gì từ kết quả công việc bản thân có thể đạt được, tránh suy nghĩ làm đến đâu hay đến đó, nó sẽ rất dễ đẩy bạn vào thế bị động trong công việc.
Bạn có thể tự đặt câu hỏi cho chính mình chẳng hạn như: Tôi muốn đạt được những gì? Công việc đó sẽ hoàn thành với kết quả như thế nào?
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng nguyên tắc đặt mục tiêu SMART để có thể biết được những mục tiêu mình sẽ cố gắng đạt được trong khoảng thời gian nhất định.
Bước 2: Đo lường mục tiêu
Sau khi đã xác định được mục tiêu, bạn hãy đo lường nó bằng một con số định lượng rõ ràng. Chẳng hạn như: Nếu mục tiêu của bạn trong 1 tháng là hoàn thành bài tập trong sách bài tập toán nâng cao, bạn hãy đo lường số lượng bài tập bạn có thể làm trong một ngày để đảm bảo đến cuối tháng bạn có thể hoàn thành được đúng số lượng mục tiêu đã đề ra
Bước 3: Thiết lập mục tiêu đảm bảo tính thực tế
Các mục tiêu đưa ra cần phải đảm bảo tính khả thi và thực tế mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Bạn cần đánh giá, nhận định thật khách quan những rào cản cũng như thách thức có thể xuất hiện. Đảm bảo mục tiêu bạn đưa ra không quá viển vông nhưng cũng không nên quá đơn giản để hoàn thành.
Bước 4: Xác định mốc thời gian thực hiện
Sau khi đã xác định được tính khả thi của mục tiêu, dựa vào đó để đặt ra một mốc thời gian cụ thể và hợp lý để làm động lực thúc đẩy sự cố gắng của bạn trong việc thực hiện, theo dõi và hoàn thành công việc trong thời hạn được cho phép.
Bước 5: Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cụ thể
Đây là lúc bạn cần phải lập kế hoạch công việc cũng như bắt đầu thực hiện để đạt được mục tiêu tương ứng đã đề ra. Bạn hãy liệt kê thật cụ thể các bước bạn sẽ tiến hành trong việc thực hiện mục tiêu, song song đó là lên kế hoạch thực hiện cho mỗi bước.
Việc lập kế hoạch đã hoàn thành chính là lúc bạn bắt đầu tiến hành công việc theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Bước 6: Theo dõi tiến độ thực hiện
Song song với việc thực hiện công việc, bạn nên thường xuyên theo dõi, tự đánh giá tiến độ thực hiện của bản thân để thay đổi điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình tùy thời điểm.
Đôi khi sự linh hoạt, thay đổi chỉnh sửa kịp thời sẽ giúp xoay chuyển tình thế, biến một mục tiêu đang gặp khó khăn trong việc thực hiện trở nên dễ thở hơn.
Để có thể thiết lập được hệ thống kế hoạch bài bản và áp dụng hiệu quả vào thực tế, bạn hãy tham khảo khóa học kỹ năng lập kế hoạch công việc của PMS chúng tôi.
Để đạt được mục tiêu cần phải làm gì?
Để hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả, bạn cũng cần lưu ý một số điều như sau:
- Mục tiêu đặt ra phải nằm trong giới hạn bản thân có thể hoàn thành.
- Nên đặt mục tiêu theo từng giai đoạn nếu đó là mục tiêu trung hạn hoặc dài hạn.
- Kết hợp các kỹ năng quản lý thời gian, quản trị rủi ro để đảm bảo việc thực hiện mục tiêu đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Cần có sự kiên trì, bản lĩnh, cố gắng không ngừng nghỉ trong quá trình thực hiện mục tiêu.
- Tùy vào hoàn cảnh cũng như kết quả từng giai đoạn thực hiện thế nào để có sự linh hoạt trong việc thay đổi, điều chỉnh mục tiêu khi cần.
- Kết hợp với ma trận SWOT nếu việc đặt mục tiêu thuộc quy mô doanh nghiệp để đánh giá chính xác, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trước khi bắt tay vào công việc.
- Kết hợp phương pháp quản trị theo mục tiêu MBO để đảm bảo sự thống nhất về các chỉ số cụ thể liên quan đến mục tiêu tổng thể cho các bộ phận của doanh nghiệp.
Phân biệt mục tiêu và mục đích
Do cả 2 thuật ngữ đều liên quan đến những nhu cầu, mong muốn đạt được của mỗi người khi thực hiện công việc. Tuy vậy 2 thuật ngữ này thực chất có một số sự khác biệt rõ ràng. Dưới đây là bảng so sánh về các đặc điểm của mục tiêu và mục đích:
Tiêu chí | Mục tiêu | Mục đích |
Định nghĩa | Là một kết quả cụ thể những gì mà cá nhân mong muốn đạt được | Lý do và động lực thôi thúc bạn hành động để đạt được mục tiêu. |
Định hướng | Tập trung chủ yếu vào kết quả mà mỗi cá nhân mong muốn đạt được. | Tập trung chủ yếu vào lợi ích cũng như giá trị cốt lõi mà mỗi cá nhân nhận được. |
Thời gian | Ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. | Thường là dài hạn. |
Tính chất | Cụ thể và rõ ràng. | Thường mơ hồ, không có con số định lượng cụ thể mà dựa vào cảm nhận của cá nhân. |
Xác định kết quả | Dựa trên kết quả cuối cùng đạt được khi đến thời hạn cùng với các yếu tố như chất lượng công việc, nguồn lực sử dụng. | Phụ thuộc vào sự cảm tính và độ hài lòng của bản thân bạn. |
Từ bài viết trên hy vọng mọi người đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu cũng như nắm rõ quy trình các bước thiết lập để áp dụng hiệu quả trong cuộc sống, giúp cho quá trình lên kế hoạch, xác định mục tiêu được rõ ràng, làm tiền đề cho công việc tiến hành một cách thuận lợi, suôn sẻ.
Đối với các nhà lãnh đạo, quản lý thì việc thiết lập mục tiêu một cách khoa học và bài bản là vô cùng quan trọng trong việc hình thành năng lực quản trị. Do đó, với khóa học nâng cao năng lực cho quản lý cấp trung của học viện PMS sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp nâng cao kỹ năng hoạch định kế hoạch thực hiện mục tiêu, đảm bảo hiệu suất làm việc ổn định cho toàn thể doanh nghiệp..
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS