Ngày nay truy xuất nguồn gốc được xem như là “chìa khóa” để thiết lập và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và là một trong những yếu tố để đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp có thể vượt qua yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để tiến hành xuất khẩu hay không.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc về quy trình, các công nghệ truy xuất sản phẩm nổi bật và cách ứng dụng vào các ngành nghề trong thực tế như thế nào?
Truy xuất nguồn gốc là gì?
Theo tổ chức ISO (tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) định nghĩa, truy xuất nguồn gốc có nghĩa là “khả năng xác định và theo dõi lịch sử của sản phẩm thông qua dữ liệu nhận dạng được ghi lại”.
Từ đó, truy xuất nguồn gốc (Traceability) được hiểu là khả năng xác định, theo dõi toàn bộ các yếu tố xuất xứ của một sản phẩm từ quá trình nó còn đang là nguyên liệu thô được vận chuyển theo chuỗi cung ứng cho đến khi nó trở thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Mục tiêu chính của truy xuất nguồn gốc đó là tạo ra một hệ thống theo dõi xuất xứ sản phẩm minh bạch và đáng tin cậy, giúp định danh cũng như giám sát nguyên liệu đầu vào, hoạt động sản xuất và xuyên suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho cung ứng đến người tiêu dùng.
Tại sao cần phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm?
Thông qua công tác truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu cũng như thu thập thông tin về các sản phẩm mà họ đã mua một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Từ đó, hạn chế tình trạng người tiêu dùng chẳng may mua trúng những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, chất lượng thấp có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Còn về phía doanh nghiệp thì truy xuất nguồn gốc sẽ giúp họ có thể kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình theo dõi, xác minh toàn bộ lộ trình di chuyển của sản phẩm hàng hóa. Qua đó giúp doanh nghiệp vừa tạo được sự tin tưởng cho khách hàng, vừa làm “bức tường thép” để họ giữ gìn uy tín và sự chuyên nghiệp cho doanh nghiệp của mình.
Hơn thế nữa, truy xuất nguồn gốc cũng tạo đà thuận lợi để doanh nghiệp tính đến phương hướng mở rộng thị trường ra quốc tế. Trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, khi doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu về các tiêu chuẩn cần thiết để thâm nhập vào thị trường nước bạn, chính là họ đã nâng thêm một bậc uy tín cho thương hiệu của mình.
Trong khi với nhập khẩu thì thông qua truy xuất hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát chất lượng các mặt hàng, nguồn nguyên liệu nhập vào kỹ lưỡng hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và đem lại sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Hiện nay, quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa đều cần phải tuân theo 5 bước quan trọng như sau:
Bước 1: Thu thập thông tin cần thiết
Bước đầu tiên của quá trình truy xuất nguồn gốc là thu thập những thông tin chi tiết về sản phẩm cũng như nguồn gốc, các thông tin này bao gồm nguồn nguyên liệu sử dụng, quá trình sản xuất, công tác kiểm định chất lượng, vận chuyển và lưu trữ.
Bước 2: Gắn công cụ nhận diện
Mỗi loại sản phẩm sẽ được gắn một công cụ nhận diện (có thể là QRcode, BARcode, mã số định danh,…) để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và khách hàng thuận tiện trong việc truy xuất.
Khi được trích xuất qua các thao tác nhập mã số hay quét mã, người tiêu dùng sẽ thấy được tất tần tật các thông tin liên quan đến sản phẩm bao gồm ngày sản xuất, số lô, địa điểm và một số thông tin khác.
Bước 3: Lưu trữ dữ liệu
Các thông tin về sản phẩm mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy khi quét mã sẽ được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Những dữ liệu này sẽ được lưu trữ qua nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất và cung ứng để đến cuối cùng các dữ liệu đó sẽ được hiển thị khi quét một cách đầy đủ nhất.
Bước 4: Cập nhật và theo dõi
Xuyên suốt quá trình sản xuất cũng như vận chuyển, các dữ liệu về sản phẩm sẽ thường xuyên được theo dõi và cập nhật theo từng giai đoạn, thời điểm. Không chỉ những thông tin liên quan đến sản xuất mà cả những thông tin về thời gian, vị trí cũng như điều kiện vận chuyển đều sẽ được ghi nhận.
Bước 5: Đào tạo chuyên môn cho nhân viên sử dụng phần mềm
Khi khách hàng hoặc cơ quan quản lý thị trường có yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phần mềm truy xuất sẽ cho phép người dùng tra cứu các thông tin liên quan đến sản phẩm bằng các thao tác như nhập những thông tin, mã số tra cứu hoặc quét mã.
5 công nghệ truy xuất nguồn gốc phổ biến
QR code
Hiện nay QR code được xem là một trong những công nghệ phổ biến và đơn giản nhất hiện nay để truy xuất nguồn gốc. Mã QR code có thể được quét chỉ bằng cách sử dụng điện thoại di động hỗ trợ camera quét QR, mà hầu như các dòng điện thoại mới ngày nay đều hỗ trợ.
Khi quét mã này, người dùng có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm một cách chi tiết, bao gồm cả những thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của nhà cung cấp nguyên vật liệu, công ty sản xuất, đơn vị phân phối,…
Mã vạch Barcode
Tương tự như QR code, Barcode cũng được nhiều dòng điện thoại tích hợp để dễ dàng trong việc truy xuất dữ liệu, nhưng có nhược điểm đó là phải canh vị trí đọc rất chính xác thì mới có thể hệ thống mới có thể đọc được dữ liệu, tốc độ đọc cũng khá chậm (Điều mà QR code làm tốt hơn). Hơn nữa Barcode có độ bảo mật tương đối thấp nếu so với các công nghệ truy xuất khác.
Công nghệ RFID
RFID là công nghệ sử dụng sóng radio để truyền tải thông tin giữa thẻ RFID và thiết bị đầu đọc. Thẻ RFID được gắn trực tiếp vào sản phẩm và chứa các thông tin chi tiết về các sản phẩm đó tương tự như hai công nghệ kể trên.
Điều đặc biệt là với công nghệ này đó là có thể tích hợp nhúng vào sản phẩm với độ bền cực cao, rất khó bị tẩy xóa, sửa chữa và có thể đọc dữ liệu từ xa, không cần tiếp xúc qua camera. (Là những nhược điểm của QR code và Barcode).
Công nghệ IoT
Internet vạn vật (IoT) kết nối những thiết bị được tích hợp cảm biến thông qua mạng Internet để thu thập và trao đổi thông tin. Trong công tác truy xuất nguồn gốc, hệ thống IoT có thể được sử dụng để giám sát vị trí, điều kiện hàng hóa và quy trình của sản phẩm theo thời gian thực.
Blockchain
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu có triển vọng rất lớn để được áp dụng rộng rãi trong công tác bảo mật tương lai gần, khác với những công nghệ truy xuất khác những thông tin được lưu trữ trong Blockchain không thể bị thay đổi hay xóa đi dưới mọi hình thức. Do đó gần như triệt tiêu rủi ro bị xé bỏ phá hủy hay bị hack dữ liệu khi áp dụng công nghệ này.
Các mặt hàng thường hay truy xuất nguồn gốc
Đồ ăn thức uống
Riêng đối với ngành công nghiệp đồ ăn thức uống việc truy xuất về nguồn gốc sẽ phục vụ cho các mục đích như:
- Minh bạch toàn bộ thông tin của các mặt hàng thực phẩm bao gồm giai đoạn sản xuất, chế biến cho đến phân phối.
- Gây dựng uy tín thương hiệu để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng một cách hiệu quả trước khi đưa ra thị trường
- Phòng ngừa cũng như kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong sản xuất thực phẩm (Giả mạo, hàng kém chất lượng, sử dụng hóa chất độc hại,…), đảm bảo an toàn sức khỏe và trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các loại đồ ăn, thức uống.
Nông sản
Các mặt hàng nông sản cũng cần được kiểm định nguồn gốc, xuất xứ kỹ lưỡng trước khi đến tay của người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc với các mặt hàng nông sản có những mục đích chính như:
- Cung cấp thông tin chi tiết về cách mà các loại trái cây, thực phẩm tươi sống được sản xuất ( chẳng hạn như loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, công nghệ thu hoạch, giết mổ nào được áp dụng.
- Thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tránh các thủ đoạn để tăng năng suất nhưng gây hại cho người tiêu dùng (Như bơm nước vào động vật để tăng cân, dùng thuốc tăng trưởng có hóa chất gây hại,…)
- Tránh những sản phẩm nông sản kém chất lượng gây hại xuất hiện trên thị trường, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
- Thúc đẩy sự cải tiến đồng bộ cho hệ thống sản xuất nông sản, để tạo lợi thế xuất khẩu cho nông sản trong nước.
Thủy sản
Không chỉ nông sản, mà cả thủy sản cũng cần được chú trọng trong công tác truy xuất nguồn gốc nhằm:
- Cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết về sản phẩm thủy sản (Bao gồm: Ngày đánh bắt, phương pháp đánh bắt, các loài thủy sản tôm, cá được nuôi ở cơ sở nào,…)
- Giúp doanh nghiệp có cơ sở để lên những phương án quản lý an toàn môi trường, đặc biệt là môi trường nước, đảm bảo chất lượng thủy sản khi thu hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn về thủy sản khi xuất khẩu như ASC, BAP,…
- Đảm bảo các sản phẩm thủy sản khi đến tay của người tiêu dùng được đảm bảo về sự tươi sạch và chất lượng khi được sản xuất tại các cơ sở thủy sản uy tín
- Nâng cao sự uy tín cho ngành thủy sản nước nhà trên thị trường quốc tế, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành.
Trang thiết bị Y tế
Các Công ty dược phẩm, hay bệnh viện trạm xá có thể sử dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc với những mục đích bao gồm:
- Kiểm soát chất lượng thuốc men, vật tư y tế
- Theo dõi các thành phần, nguyên liệu sử dụng để tạo ra các sản phẩm dược phẩm có khớp với thành phần niêm yết trên hộp hay không.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi các loại thuốc hết hạn, bị lỗi, sai nhãn hiệu hoặc các vật tư không đáp ứng chất lượng (Dao mổ không đủ bén, găng tay không vô trùng,…)
- Tạo sự minh bạch cho chuỗi cung ứng vật tư y tế, tránh tình trạng gian lận trong đấu thầu vật tư y tế.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thể hình dung một cách tổng quan về quy trình, những công nghệ truy xuất nguồn gốc phổ biến và những ứng dụng trong thực tế để hiểu được hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa là quan trọng đến nhường nào mà mọi doanh nghiệp đều phải lưu tâm.
Nếu quý khách hàng muốn truy xuất nguồn gốc chính xác, hãy tham khảo giải pháp ứng dụng RFID trong quản lý hàng hóa đang được PMS cung cấp cho nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS