Nói trước đám đông là một trong những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng nhất vì nó được sử dụng trong hầu hết mọi ngành nghề. Nhưng nó cũng là một trong những kỹ năng mà mọi người thường sợ hoặc không tự tin khi đối mặt. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập về kỹ năng nói trước đám đông là gì? Tại sao nó quan trọng và chia sẻ các mẹo giúp bạn cải thiện kỹ năng này hiệu quả.
Kỹ năng nói trước đám đông là gì?
Kỹ năng nói trước đám đông (hay còn gọi là public speaking) là một nghệ thuật nói chuyện cho một nhóm người theo cách thức được chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm việc sắp xếp suy nghĩ, cấu trúc nội dung và trình bày bài phát biểu một cách tự tin và rõ ràng nhằm hấp dẫn và thu hút người nghe.
Đây là một kỹ năng mềm quan trọng dành cho bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, đặc biệt với những ngành bạn phải giao tiếp với nhiều người như diễn giả sự kiện, triển lãm thương mại, giảng viên các chương trình đào tạo,…
Tầm quan trọng của kỹ năng nói chuyện trước đám đông
Kỹ năng nói trước đám đông rất hữu ích cho sự phát triển trong sự nghiệp của bạn cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số lợi ích kỹ năng này mang lại cho bạn:
- Tăng cường sự tự tin khi nói chuyện trước đám đông
- Tăng cường xây dựng nhóm và hợp tác
- Tạo ra ấn tượng tốt với người nghe khi bạn trình bày logic, rõ ràng và hấp dẫn.
- Chia sẻ ý tưởng và đưa ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến công việc
- Nhận được sự tôn trọng từ cả quản lý và đồng nghiệp
- Tạo ra mạng lưới kết nối mối quan hệ, có thể dẫn đến các cơ hội nghề nghiệp mới và thăng tiến trong công việc
Có thể mất thời gian để cải thiện kỹ năng nói trước công chúng, nhưng đây là chìa khóa của sự tự tin khi bạn phát triển bất kỳ kỹ năng mới nào. Bên cạnh đó, bạn có thể cải thiện các mối quan hệ cùng với thành công trong sự nghiệp của mình bằng cách phát triển giao tiếp rõ ràng và hiệu quả.
9 mẹo cải thiện kỹ năng nói trước đám đông tự tin hơn
Nói trước đám đông đối với nhiều người là một viễn cảnh rất đáng sợ, phần lớn là do sợ đứng trước sân khấu. Chúng ta hay lo lắng về những gì mọi người có thể nghĩ về chúng ta, nếu làm hỏng và nói sai điều gì đó, chúng ta lo lắng về danh tiếng của mình. Hoặc nghĩ rằng khi nói điều gì đó ngu ngốc và mọi người sẽ cười mình. Chính vì thế, sau đây chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 9 mẹo cải thiện sự tự tin của bạn khi nói chuyện trước đám đông hiệu quả, cụ thể:
Hiểu rõ đối tượng của bạn
Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi thuyết trình trước công chúng nếu bạn biết họ là ai. Nhờ vậy, bạn có thể tạo ra thông điệp của mình theo giọng điệu phù hợp với họ, có thể sử dụng sự hài hước để giảm bớt căng thẳng.
Bắt đầu bằng cách đánh giá mức độ hiểu biết của khán giả về chủ đề bạn định thảo luận. Điều này sẽ xác định lượng thông tin cơ bản cần cung cấp và hướng dẫn bạn nên hướng đến mục tiêu nào trong buổi trình bày.
Trong lúc bạn đang nói, hãy chú ý đến phản ứng của người nghe, để điều chỉnh cho phù hợp để bạn có thể kết nối với họ trong suốt buổi thuyết trình của mình.
Luyện tập
Ngay cả những diễn giả dày dặn kinh nghiệm nhất cũng cần luyện tập mỗi ngày để có thể nói trước đám đông hiệu quả. Hãy trình bày thử bài phát biểu của bạn trước để bạn có thể xác định xem mình đã sắp xếp thông tin một cách mạch lạc và rõ ràng chưa.
Việc nói to trước gương có thể hữu ích khi bạn nói trước đám đông, nhưng sẽ hiệu quả hơn nữa nếu luyện tập cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Yêu cầu sự phản hồi
Cho dù bạn đang luyện tập hay đang thuyết trình, hãy yêu cầu phản hồi. Nếu bạn bè chỉ ra rằng bạn hay nói “ừm” hoặc “bạn biết đấy” quá nhiều, hãy đảm bảo rằng bạn không coi phản hồi đó là chuyện cá nhân. Những lời phê bình mang tính xây dựng này có thể sử dụng để cải thiện cho các bài thuyết trình trong tương lai và hãy nhớ cảm ơn bạn bè hoặc nhóm của bạn vì đã cho bạn phản hồi vô giá.
Xem ngay: Nguyên tắc Sandwich: Nghệ thuật phản hồi trong giao tiếp
Kết nối với một câu chuyện cá nhân
Những câu chuyện cá nhân có thể làm tăng thêm sức hấp dẫn cho buổi nói chuyện của bạn. Lấy ví dụ từ các giảng viên tại Học Viện PMS, trước khi bắt đầu một khóa học, các giảng viên thường bắt đầu bằng câu chuyện ngắn về những trải nghiệm cá nhân của mình cho học viên. Cấu trúc này giúp giảng viên kết nối với học viên hiệu quả, chia sẻ niềm đam mê của họ đối với những gì họ sắp thảo luận hoặc giải thích chuyên môn của họ liên quan tới khóa học.
Chú ý, hãy đảm bảo rằng những gì bạn chia sẻ có liên quan trực tiếp đến chủ đề đang thảo luận.
Giao tiếp bằng mắt
Việc giao tiếp bằng mắt với khán giả có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn vì bạn sẽ biết được liệu họ có hiểu những gì bạn đang nói hay cần làm rõ thêm không. Luyện tập bài phát biểu hoặc bài thuyết trình trước có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp bằng mắt.
Phần lớn giao tiếp hiệu quả phụ thuộc vào ngôn ngữ cơ thể (hay gọi là cách giao tiếp phi ngôn ngữ). Việc di chuyển ánh mắt của bạn quanh phòng có thể giúp khán giả cảm thấy gắn kết hơn, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn khi nói chuyện.
Tận dụng lợi thế của sân khấu
Trước khi thuyết trình, bạn cần biết bạn sẽ nói ở đâu. Kiểm tra xem bài thuyết trình PowerPoint của bạn có hoạt động với thiết bị được cung cấp không. Hãy đảm bảo bạn biết phòng sẽ được bố trí như thế nào. Hỏi về giới hạn thời gian, mọi người có ăn trong khi bạn nói không và bạn sẽ sử dụng loại micro nào.
Khi bạn ở trên sân khấu, hãy chiếm lĩnh không gian. Đi đến các khu vực khác nhau để giao tiếp bằng mắt với những khán giả quanh phòng. Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn, thả lỏng cánh tay, đứng với tư thế thoải mái, lưng thẳng và mỉm cười.
Bình tĩnh
Điều bình thường khi bạn vẫn thấy mình bị căng thẳng ở một thời điểm nào đó trong bài thuyết trình, mặc dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Khi điều này xảy ra, hãy hít thở thật sâu và thở ra nhẹ nhàng để lấy lại sự bình tĩnh, thay vì đút tay vào túi quần hoặc nghịch tóc.
Bạn có thể đảm bảo tập thể dục vào buổi sáng hoặc thiền trong năm phút trước khi nói.
Ghi âm lại giọng nói của bạn
Đồng nghiệp và bạn bè có thể giúp cung cấp phản hồi, nhưng bạn cũng có thể tự đánh giá bản thân khi nói. Khi bạn nói trước một nhóm người, hãy thiết lập điện thoại để ghi âm lại và xem lại sau. Bạn có thể ngạc nhiên về thói quen lo lắng hoặc cách diễn đạt vụng về của mình. Nhưng nhờ vào nó, bạn mới có thể tìm ra những cách để cải thiện khả năng trình bày của bạn.
Nếu bạn đang thuyết trình trên Zoom, hãy hỏi khán giả xem bạn có thể ghi lại cuộc họp không.
Tạo ấn tượng bằng một kết luận mạnh mẽ
Cũng giống như các diễn giả thu hút sự chú ý của khán giả trong vòng 30 giây đầu tiên của bài thuyết trình, việc tạo ra một kết thúc vững chắc cho bất kỳ bài thuyết trình nào cũng là điều khôn ngoan. Phần kết này có thể bao gồm những điều như:
- Lời kêu gọi hành động khuyến khích người nghe thực hiện bước tiếp theo
- Một câu trích dẫn đáng nhớ truyền cảm hứng hoặc minh họa cho một quan điểm trong bài thuyết trình của bạn
- Một câu chuyện cá nhân chứng minh tại sao vấn đề này lại quan trọng với bạn đến vậy
- Tóm tắt những điểm quan trọng nhất
Nhớ cảm ơn khán giả đã dành thời gian khi bạn kết thúc bài thuyết trình. Nếu còn thời gian, bạn có thể mời mọi người đặt câu hỏi và trả lời trên sân khấu hoặc nhắc họ theo dõi bạn sau đó.
Xem ngay: Kỹ năng thuyết trình là gì? 10 bí quyết thuyết trình hiệu quả
Khi nói trước đám đông cần phải làm những gì?
Chuẩn bị trang phục chỉn chu, gọn gàng
Đầu tiên, khi đứng trước đám đông bạn cần phải trang bị một bộ trang phục chỉn chu, gọn gàng và lịch sự để tạo ra sự ấn tượng ban đầu cho khán giả, điều này cho thấy sự tự tin và vẻ bề ngoài chuyên nghiệp khi bạn nói trước đám đông.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả
Không người nghe nào muốn một buổi trình bày chỉ toàn dùng từ ngữ. Để nói trước đám đông hiệu quả, các thông điệp cần phải truyền đạt qua các ngôn ngữ cơ thể như cử chỉ, tư thế cơ thể, ánh mắt và các biểu hiện trên khuôn mặt.
Một người biết cách thể hiện ngôn ngữ hiệu quả sẽ cho người thấy họ là một người tự tin, có sự chuẩn bị trước và biết cách thu hút khán giả. Nhờ vậy mà người nghe sẽ hứng thú và tập trung vào những gì bạn đang nói, đồng thời tạo sự tương tác giữa đôi bên.
Phát âm rành mạch, rõ ràng
Phát âm rõ ràng đề cập đến khả năng truyền đạt thông điệp mạch lạc đến với khán giả. Khi trình bày, không nên sử ngôn ngữ đệm, chẳng hạn như “à”, “ừm”, vì nó có thể làm loãng thông điệp và gây nhầm lẫn cho khán giả. Vì vậy hãy truyền đạt các thành phần chính của bài phát biểu mà không làm lệch hướng khỏi kế hoạch thuyết trình của bạn.
Kết nối và tương tác với người nghe
Để khán giả kết nối và tương tác với những gì bạn trình bày, bạn có thể thực hiện bằng cách đặt câu hỏi hoặc đưa ra những câu chuyện của khán giả để thúc đẩy quan điểm của bạn. Nhờ vậy, bạn có thể cá nhân hóa buổi thuyết trình của bạn với người nghe, từ đó để lại ấn tượng tốt đẹp giữa bạn với họ.
Phong cách trình bày
Phong cách trình bày là cách để bạn duy trì sự quan tâm của người nghe đối với thông điệp của bạn. Phong cách trình bày đề cập đến cách bạn trình bày và các phương pháp bạn sử dụng để truyền đạt thông tin của mình, chẳng hạn như nói và sử dụng các bài thuyết trình dựa trên công nghệ như trình chiếu để truyền đạt thông tin. Điều này cung cấp một bài thuyết trình sinh động hơn và thúc đẩy sự tham gia và tương tác của khán giả.
Những lỗi thường gặp trong quá trình nói trước đám đông
Khi đứng trước đám đông, chúng ta thường hay mắc phải một số lỗi cơ bản khi trình bày cho người nghe, khiến họ cảm thấy nhàm chán. Sau đây là những lỗi nhiều người hay gặp phải và nếu bạn mắc phải những lỗi này thì nên tránh nhé.
- Lo lắng và căng thẳng, không tự tin khi nói trước đám đông.
- Mở đầu buổi trình bày với những câu nói rất chung chung, không tạo ấn tượng cho khán giả.
- Giọng nói bị nhỏ, lắp bắp và không rõ ràng.
- Không giao tiếp bằng mắt với khán giả bên dưới.
- Nội dung trình bày không logic, không mạch lạc, thiếu sự liên kết giữa các phần.
- Ngôn ngữ cơ thể chưa phù hợp chẳng hạn như đứng im một chỗ trình bày, tay chân vụng về, biểu cảm khuôn mặt không cảm xúc,..
- Chỉ tập trung vào bài thuyết trình mà không quan sát và tương tác với khán giả bên dưới.
- Nhìn và đọc nguyên văn nội dung được soạn trong slides.
- Trình bày mỗi phần nội dung quá dài hoặc quá ngắn so với thời gian quy định.
- Không có sự chuẩn bị trước cho buổi trình bày như không nghiên cứu về chủ đề mình sắp nói và khán giả.
Kỹ năng nói trước đám đông rất quan trọng công việc và cuộc sống, nó giúp bạn xây dựng mối quan hệ tích cực, tăng cường sự tự tin và khả năng thuyết phục trước công chúng hiệu quả. Hy vọng những kiến thức mà chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích với bạn, nếu có thắc mắc gì hãy liên hệ với PMS để được giải đáp.
Hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng nói chuyện trước đám đông, chúng tôi đã nghiên cứu và cung cấp khóa học kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp, với mong muốn cung cấp cho Học viên những phương pháp, kỹ năng cần có để có thể trình bày trước đám đông một cách tự tin và hiệu quả.
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS