Phương pháp 5S là gì? Hướng dẫn làm đúng 5S tại doanh nghiệp

Bạn đã từng gặp tình trạng cố gắng tìm kiếm đồ vật nhỏ trên bàn làm việc hoặc tìm kiếm các thiết bị tại xưởng sản xuất nhưng không tìm thấy hay chưa? Nếu bạn mất nhiều thời gian để tìm thấy những đồ vật đó hoặc không tìm thấy nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bạn. Vì lẽ đó mà quy tắc 5S được ra đời giúp bạn giải quyết những vấn đề đó.

5S là một phương pháp giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, an toàn, vệ sinh, chất lượng sản phẩm đầu ra và nâng cao tinh thần đồng đội tại nơi làm việc. Tiêu chuẩn 5S đã và đang được nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam hiện đang còn áp dụng hiệu quả.

phương pháp 5s là gì

5S là gì?

5S là phương pháp quản lý và tổ chức nơi làm việc luôn sạch sẽ, các đồ dùng liệu luôn được sắp xếp đúng chỗ, ngăn nắp. Mục đích của 5S nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm vật dụng, giảm lãng phí, nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc.

5S bắt nguồn từ Nhật Bản và được viết tắt từ 5 từ trong tiếng Nhật, bắt đầu bằng chữ “S”. Dưới đây là thuật ngữ và ý nghĩa của 5S, cụ thể:

Tiếng NhậtTiếng AnhTiếng ViệtÝ nghĩa
整理 – SeiriSortSàng lọcSàng lọc và loại bỏ những thứ không thực sự cần thiết khỏi nơi làm việc
整頓 – SeitonStraighten (Set in Order)Sắp xếpSắp xếp những gì còn lại sau khi phân loại một cách khoa học, trật tự
清掃 – SeisoShineSạch sẽVệ sinh và kiểm tra khu vực làm việc
清潔 – SeiketsuStandardizeSăn sócTạo ra các tiêu chuẩn hỗ trợ một quy trình có thể lặp lại theo 3S đầu tiên
躾 – ShitsukeSustainSẵn sàngÁp dụng nhất quán các tiêu chuẩn này trong các lĩnh vực công việc

5S không chỉ đơn giản là việc dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc, mà nó là một hệ thống quản lý toàn diện giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao tinh thần làm việc và an toàn lao động cho đội ngũ nhân viên. Nhưng để áp dụng phương pháp 5S thành công phải cần sự tham gia nhiệt tình của tất cả mọi người trong tổ chức, do đó doanh nghiệp cần phải đào tạo và hướng dẫn cho họ một nền tảng vững chắc về 5S.

Phương pháp 5s giúp quản lý và tổ chức nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng

Nguồn gốc hình thành phát triển tiêu chuẩn 5S

5S có nguồn gốc tại Nhật Bản trong bối cảnh họ đang hồi phục kinh tế sau thế chiến thứ 2. Ban đầu, chúng được áp dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp tại Nhật Bản vào những năm 1960, đặc biệt là sản xuất ô tô. Khi đó, ông Taiichi Ohno đã giới thiệu 5S là một phần của Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS) với mục tiêu tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm lãng phí sản xuất.

Khi tiêu chuẩn 5S được áp dụng thành công tại Nhật Bản, vào những năm 1980 – 1990 chúng tiếp tục được mở rộng và áp dụng ra các khu vực Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.

Cho đến hiện nay, 5S đã có nhiều cải tiến hơn và cũng được nhiều doanh nghiệp trên thế giới vẫn còn đang áp dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, giáo dục, y tế, văn phòng, nhà hàng khách sạn, ngân hàng,…

► Đọc thêm: Lean Manufacturing là gì? Lợi ích và 5 nguyên tắc

Mối quan hệ giữa phương pháp 5S và Kaizen

Nếu đã từng biết tới 5S, chắc bạn đã từng nghe đến phương pháp Kaizen rồi phải không? Kaizen được biết đến là một triết lý kinh doanh của Nhật Bản, Kaizen trong tiếng Nhật có nghĩa là “Cải tiến liên tục” trong mọi khía cạnh của tổ chức. Chúng đã được áp dụng thành công tại nhiều công ty lớn tại Nhật Bản như Honda, Toyota, Canon, Sony,… và cũng đang được nhiều các nước khác trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Vậy mối quan hệ giữa chúng là gì?

5S được xem là nền tảng cho Kaizen, nhờ hoạt động 5S mà môi trường làm việc được tổ chức tốt, từ đó tạo điều kiện cho việc cải tiến tốt hơn mỗi ngày. Vì cả hai đều nhằm mục đích cải tiến quy trình làm việc, khi mọi thứ đã đi vào hệ thống thì việc tìm kiếm những những cơ hội cải tiến sẽ dễ hơn.

Bên cạnh đó, Kaizen sẽ là công cụ để thúc đẩy mọi người tham gia vào quá trình cải tiến. Khi mọi người đều đồng tình tham gia việc duy trì và cải thiện theo tiêu chuẩn 5S, nó sẽ trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp có thể áp dụng về sau cho nhân viên.

Lấy ví dụ thực tế từ chương trình tư vấn 5S – Kaizen tại Công ty Lafooco, các nhà lãnh đạo đưa ra những phần thưởng (tiền) cho nhân viên khi họ đóng góp những ý tưởng, dù hiệu quả hay không hiệu quả. Mức độ tiền thưởng thấp hay cao sẽ dựa vào ý tưởng đó có áp dụng được lâu dài theo thời gian. Chỉ cần có ý tưởng, mọi người đều sẽ được ghi nhận từ phía ban lãnh đạo và được thưởng.

Phương pháp 5S có thể áp dụng với nhiều loại hình Doanh nghiệp

Nội dung của mô hình 5S

Tại nơi làm việc, 5S được xem như một công cụ thực hành mà mọi người đều có thể tham gia vào, cụ thể năm chữ “S” sẽ được hiểu như sau:

Seiri – Sàng lọc

Bước đầu tiên trong quy trình 5S là sàng lọc, mục đích là loại bỏ những vật dụng không cần thiết, lỗi thời và giữ lại những vật dụng cần thiết, ưu tiên tại khu vực làm việc.

Để thực hiện sàng lọc hiệu quả, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau đây:

  • Thiết bị, dụng cụ dùng với mục đích gì?
  • Nó có được thường xuyên sử dụng không? Bao lâu 1 lần?
  • Ai cần sử dụng đến nó?
  • Lần cuối sử dụng là khi nào?
  • Có cần thiết để nó ở đây không?

Với những thứ không cần thiết sử dụng, bạn có thể đem chúng lưu kho, tái chế, thành lý hoặc chuyển tới các bộ phận khác (nếu họ cần tới).

Nếu bạn không thể quyết định được những thứ cần thiết sử dụng cho công việc sau này, hãy đánh dấu bằng thẻ đỏ (có thể là nhãn dán hoặc bìa cứng) và điền các thông tin vật dụng vào thẻ đỏ bao gồm: vị trí, mô tả chức năng, ngày gắn thẻ, người sử dụng và để riêng nó ra một nơi. Sau khoảng 1-2 tháng, bạn hãy kiểm tra lại xem có ai cần đến cái đó nữa không, nếu không thấy ai cần đến, tức là cái đó không cần cho công việc nữa, bạn có thể loại bỏ nó.

Lợi ích chính của việc “Sàng lọc” bao gồm:

  • Không gian làm việc rộng rãi hơn
  • Đỡ tốn nhiều thời gian đi tìm kiếm vật dụng
  • Ngăn ngừa được bụi bẩn tích tụ và rác thải

Seiri nghĩa là sàng lọc, phân loại vật dụng không cần thiết

Seiton – Sắp xếp

Khi đã sàng lọc xong, việc cần làm tiếp theo là sắp xếp và phân loại các vật dụng còn lại vào một nơi gòn gàng, dễ tìm và dễ dàng trả lại.

Để thực hiện sắp xếp hiệu quả, bạn có thể dựa vào một số câu hỏi sau đây:

  • Những ai (khu vực) cần đến những vật dụng này?
  • Cái nào thường xuyên được sử dụng? Bao lâu 1 lần?
  • Lúc nào thì vật dụng này được sử dụng?
  • Đặt vật dụng này ở đâu phù hợp với vị trí thuận tiện cho nhân viên?
  • Những vật dụng này có cần phân loại và gom thành một nhóm không?

Khi thực hiện quy trình này, bạn có thể tuân theo nguyên tắc là những vật dụng thường xuyên sử dụng thì đặt gần nhân viên cần đến nó nhất, đồ nặng bên dưới và đồ nhẹ ở trên. Bạn có thể tùy chỉnh theo không gian nơi làm việc để có phương án phù hợp nhất cho việc sắp xếp chúng.

Khi đã sắp xếp xong, bạn cần lập ra một danh sách và vẽ sơ đồ của chúng, ghi chú cụ thể từng vị trí mà vật dụng đặt tại đó, để trong trường hợp người mới vào làm thì bạn có thể cho họ xem qua khi tìm kiếm vật dụng cần thiết. Trong khoảng thời gian 1 tháng, bạn cần sự phản hồi hồi từ tất cả nhân viên và đánh giá xem liệu việc sắp xếp này đã phù hợp chưa, để có những điều chỉnh phù hợp.

Lợi ích chính của việc “Sắp xếp” bao gồm:

  • Không gian làm việc được tổ chức tốt hơn
  • Giảm sự lộn xộn
  • Nguy cơ tai nạn thấp hơn nhờ đường đi thông thoáng hơn
  • Quy trình làm việc hợp lý giúp giảm thiểu việc đi lại không cần thiết
  • Giảm tình trạng mệt mỏi và căng thẳng của nhân viên
  • Tăng cường sự tập trung và năng suất làm việc

Seiri nghĩa là sắp xếp vật dụng có tổ chức, khoa học

Seiso – Sạch sẽ

Chắc hẳn ai cũng biết việc dọn dẹp sạch sẽ tại nơi làm việc, nhưng do tính chất công việc bận rộn nên giai đoạn này thường bị mọi người quên đi. Vì thế, tiêu chuẩn “Sạch sẽ” trong 5S là việc tập trung làm vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc như lau chùi bụi bẩn, loại bỏ rác thải, cất dụng cụ ngăn nắp tại khu vực làm việc như nhà xưởng, văn phòng, kho bãi,… mỗi ngày.

Riêng đối với lĩnh vực sản xuất, sạch sẽ còn liên quan tới công tác bảo trì bảo dưỡng thiết bị máy móc để ngăn ngừa tình trạng máy móc bị hư hỏng, gây gián đoạn tới quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cần lập kế hoạch bảo trì bảo dưỡng định kỳ để chủ động công tác ngăn ngừa rủi ro.

Nghe thoáng qua, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đây là “công việc” không mấy thú vị, nhưng đối với tiêu chuẩn 5S, đây là công việc quan trọng. Nhờ giai đoạn Seiso, mọi người sẽ rèn luyện được tính tự chủ, chịu trách nhiệm với công việc.

Khi thực hiện Seiso, bạn cần nắm những điều sau:

  • Đừng đợi đến lúc dơ bẩn mới vệ sinh.
  • Dành 3-5 phút mỗi ngày để dọn dẹp vệ sinh tại khu vực làm việc.
  • Mọi người phải có trách nhiệm với môi trường xung quanh nơi làm việc.
  • Tự bản thân tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn.
  • Không xả rác, khạc nhổ bừa bãi nơi làm việc mà hãy tạo cho mình một thói quen sạch sẽ.
  • Dọn dẹp, vệ sinh cũng là một hành động kiểm tra, nhất là đối với các nhà máy, công xưởng.

Mẹo: Ngoài 3-5 phút vệ sinh khu vực làm việc hàng ngày ra, nên có tổng vệ sinh trong tháng/quý. Đối với những nhân viên mới, hãy chỉ cho họ cách thực hiện vệ sinh đúng, ví dụ như lấy vật dụng này ở đâu thì để lại chỗ đó, vệ sinh thiết bị như thế nào để tránh hư hỏng.

Lợi ích từ giai đoạn “Sạch sẽ” mang lại sẽ lớn hơn nhiều lần so với thời gian và công sức bạn bỏ ra, bao gồm:

  • Nâng cao sức khỏe cho nhân viên
  • Nâng cao tuổi thọ cho thiết bị và máy móc
  • Tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và thoáng mát

Seiri nghĩa là loại bỏ bụi bẩn, rác thải nơi làm việc

Seiketsu – Săn sóc

Mọi thứ đều ổn khi thực hiện 3S đầu tiên “Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ”, khi từ không gian bừa bộn trở thành không gian gọn gàng, sạch sẽ khi mọi thứ được sắp xếp phù hợp, ngăn nắp và mọi thứ đều hoạt động tốt.

Nhưng theo thời gian, tình trạng trước kia có thể trở về ban đầu nếu không có sự duy trì hiệu quả của quy trình 5S. Để không lãng phí những nỗ lực đã bỏ ra, chúng ta không nên dừng lại sau khi đã thực hiện xong 3S, mà hãy tiếp tục “Săn sóc”, nghĩa là giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ theo định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng.

Mẹo: Để khuyến khích mọi người tích cực thực hiện, ban lãnh đạo có thể tổ chức phong trào thi đua giữa các Phòng/Bộ phận/Phân xưởng với nhau.

Seiketsu nghĩa là luôn giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ và ngăn nắp

Shitsuke – Sẵn sàng

Cuối cùng là Shitsuke, nghĩa là kỷ luật. Với mục đích là đảm bảo mọi người từ cấp quản lý cho tới cấp dưới đều duy trì, ý thức tự giác, tuân thủ các quy định và quy trình 5S đã được thiết lập. Biến 5S thành một hệ thống quản lý dài hạn và là một phần văn hóa công ty. Khi thực hiện đúng 5S trong thời gian dài, bạn sẽ thấy được những kết quả tích cực mà tiêu chuẩn này mang lại.

Mẹo: Để nâng cao tinh thần “Sẵn sàng” của nhân viên, người phụ trách thực hiện quy trình 5S cực kỳ quan trọng, họ phải là tấm gương về 5S để mọi người noi theo.

Sitsuke là tạo ra thói quen và ý thức tự giác cho mọi người

Lợi ích của mô hình 5S mang tới cho doanh nghiệp và nhân viên

Tầm quan trọng của mô hình 5S đã được chứng minh từ lâu qua việc nhiều Doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp này như Toyota, Honda, Nhựa Duy Tân, Lafooco…. với những lợi ích mang lại như:

  • Tăng năng suất làm việc: Qua việc sắp xếp không gian làm việc hợp lý, phương pháp 5S giúp giảm thiểu thời gian lãng phí trong việc tìm kiếm công cụ và vật liệu cần thiết. Điều này dẫn đến quy trình làm việc trơn tru hơn và sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
  • Đảm bảo an toàn lao động: Khi nơi làm việc được tổ chức tốt sẽ giảm thiểu các tai nạn như trượt chân, vấp ngã và các sự cố khác. Ngoài ra, 5S có thể giảm thiểu sự cố về thiết bị qua việc bảo trì định kỳ, giúp cho quá trình làm việc trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
  • Giảm lãng phí: 5S giúp doanh nghiệp xác định và loại bỏ các hạng mục và quy trình không cần thiết nhằm giảm lãng phí trong sản xuất và rút gọn quy trình sản xuất.
  • Nâng cao tinh thần: Khi nơi làm việc được sắp xếp hợp lý, sạch sẽ, gọn gàng sẽ tạo ra môi trường tích cực, thoải mái, giúp nâng cao sự hài lòng trong công việc từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc cho nhân viên.
  • Nâng cao chất lượng sản phẩm: Việc sắp xếp các thiết bị, dụng cụ hợp lý, khoa học sẽ giúp nâng cao chất lượng được nâng cao bằng cách loại bỏ các lỗi liên quan đến lỗi hoặc việc sử dụng thiết bị và nguyên vật liệu không đúng cách.
  • Quản lý dễ dàng hơn: Bằng cách dán nhãn và tổ chức rõ ràng giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hiện những điểm bất thường để từ đó có phương pháp hành động nhanh chóng, kịp thời.
  • Nâng cao ý thức: Khi các cán bộ công nhân viên đều có ý thức và chấp hành theo đúng tiêu chuẩn 5S, sự đoạn kết sẽ tăng lên. Điều này giúp cho nhân viên cảm thấy họ cũng là một phần quan trọng trong doanh nghiệp, từ đó khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến.
  • Tăng tính tự giác và trách nhiệm: Với quy tắc 5s, nhân viên sẽ dần hình thành nên thói quen tự giác trong việc vệ sinh khu vực làm việc và sắp xếp các vật dụng sao cho ngăn nắp gọn gàng. Từ những thói quen đó mà tinh thần trách nhiệm của nhân viên đối với công việc của mình sẽ được tăng lên.
  • Đảm bảo an toàn: Nhờ vào chủ trương cải tiến doanh nghiệp theo tiêu chuẩn 5S mà môi trường làm việc sẽ trở nên sạch sẽ và an toàn hơn qua đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình làm việc.
  • Tăng cường tinh thần đội nhóm: Để thành công trong việc áp dụng mô hình 5S cho tổ chức đòi hỏi tình thần đoàn kết và phối hợp giữa những toàn thể cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp, từ đó tạo nên một đội ngũ nhân sự vững mạnh, trung thành với tổ chức.

7 lợi ích chính của mô hình 5S

Quy trình thực hiện phương pháp 5S

Bước 1: Giai đoạn chuẩn bị

Đầu tiên, xác định phòng ban chịu trách nhiệm chính cho chương trình 5S. Đây là những người trực tiếp làm việc cùng các Chuyên gia về 5S để lập kế hoạch, thiết lập tiêu chuẩn và quy định cần thiết. Họ thường là thành viên của Ban lãnh đạo trong tổ chức, có trách nhiệm về việc triển khai đào tạo, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện.

Bước 2: Phát động chương trình

Các tiêu chuẩn 5S cần được áp dụng nghiêm túc, cần có chương trình phát động phong trào để tinh thần thực hiện 5S được hình thành. Điều này giúp cho đội ngũ nhân viên hiểu được tầm quan trọng, mục tiêu và mong muốn mà ban lãnh đạo đưa ra.

Sau đó, các hoạt động tuyên truyền chính sách cần được doanh nghiệp tích cực duy trì thường xuyên thông qua những hình ảnh, biểu ngữ hoặc họ cũng có thể tổ chức những chương trình sự kiện để giúp cho 5S trở nên đồng bộ hơn, lãnh đạo dễ dạng trong việc trình bày cụ thể về mục tiêu, ý nghĩa mà 5S đem lại. Qua đó vừa giúp nhân viên dễ dàng tiếp cận với tiêu chuẩn 5S và tăng sự quyết tâm và đoàn kết thực hiện cho toàn thể nhân viên.

Bước 3: Vệ sinh khu vực

Sau khi mọi người đã hiểu về tiêu chuẩn 5S, bắt tay tiến hành vệ sinh khu vực và sàng lọc các vật dụng theo những quy chuẩn đã được thiết kế trong quy trình 5S. Đồng thời tổ chức các chương trình thi đua giữa các phòng ban, phân xưởng để phong trào phấn đấu luôn diễn ra thật sôi nổi.

Nhờ vào những hoạt động thi đua đó mà tinh thần của 5S sẽ được lan tỏa một cách mạnh mẽ đến với mỗi cá nhân, giúp cho nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đây cũng chính là giai đoạn mà 5S bắt đầu phát huy được vai trò và lợi ích của nó.

Bước 4: Duy trì thực hiện tích cực

Các công việc đã được hoạch định dựa trên 5S luôn cần phải được duy trì một cách liên tục theo 3S “sạch sẽ – săn sóc – sẵn sàng”. Ban lãnh đạo giai đoạn này cần phải tích cực truyền lửa để giữ được tinh thần 5S “trước sau như một” cho toàn thể nhân viên.

Những chương trình khen thưởng nên được tổ chức để tuyên dương những cá nhân có thành tích nổi bậc trong công cuộc thực hiện 5S và trình bày những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, cần phải đảm bảo phong trào thi đua sẽ gắn liền với những hoạt động thực tế, được thực hiện đầy đủ và đúng cách. Có như vậy thì phong trào thi đua 5S mới trở nên có ý nghĩa thiết thực.

Bước 5: Đánh giá mức độ hiệu quả sau triển khai

Doanh nghiệp không nên chủ quan các hoạt động 5S mà nên tích cực phát huy thành quả đã đạt được. Bằng cách thực hiện đánh giá định kỳ để đo lường mức độ hiệu quả khi triển khai chương trình 5S mang lại. Nhờ vậy, doanh nghiệp mới những điều chỉnh phù hợp, từ đó tiếp tục duy trì và cải tiến 5S đạt hiệu quả tốt nhất.

6 bước thực hiện mô hình 5S

Yếu tố giúp doanh nghiệp triển khai 5S thành công

5S không thế đạt được hiệu quả chỉ trong một sớm một chiều, để thực hiện cải tiến theo phương pháp 5S một cách hiệu quả cần đòi hỏi sự nỗ lực và đoàn kết của toàn thể cả nhân trong tổ chức trong thời gian dài. Qua quá trình tư vấn 5S cho nhiều doanh nghiệp, PMS rút ra một số yếu tố quan trọng có thể giúp doanh nghiệp áp dụng 5S hiệu quả hơn như:

Sự hỗ trợ từ phía ban quản lý

Cần phải có sự cam kết rõ ràng về mục tiêu đề ra cũng như hoạch định chiến lược một cách cụ thể để nhân viên các cấp có thể nắm bắt được mình cần phải làm gì.

Ban quản lý là bộ phận chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp tham gia công tác giám sát, đánh giá hiệu suất đạt được xuyên suốt quá trình thực hiện 5S, họ cũng là người sẽ ghi lại những phản hồi từ người lao động và đóng vai trò như một cố vấn chuyên môn để giúp nhân viên có thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao

Phối hợp giữa các phòng ban

Các phòng ban có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo công tác 5S được tiến hành một cách liên tục, tránh sự gián đoạn. Ngoài ra thông qua sự phối hợp thực hiện cải tiến theo 5S cũng sẽ tạo điều kiện cho những phòng ban có thể hiểu rõ đặc điểm đặc thù trong công việc của nhau.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm cho nhân viên

Thay vì truyền tải 5S theo hướng bắt buộc toàn thể nhân viên phải tham gia, ban lãnh đạo nên chủ trương xây dựng những chương trình khuyến khích thi đua với những phần thưởng hấp dẫn để tạo động lực thực hiện cho nhân viên.

Một trong những yếu tố cốt lõi nhất để duy trì được 5S lâu dài đó là tinh thần tự giác và trách nhiệm trong công việc phải luôn được nâng cao. Càng tốt hơn khi biến những công việc vệ sinh, sắp xếp khu vực làm việc được thực hiện theo mô hình 5S trở thành thói quen được áp dụng cho toàn thể cán bộ nhân viên sau này.

Đánh giá tiến độ định kỳ

Đừng quá chủ quan sau khi đạt được những kết quả tốt, nên ghi nhận cả những điều chưa hoàn thành hay hoàn thành không thật sự tốt để có được bài học kinh nghiệm quý giá qua đó tiến hành công tác xây dựng chiến lược cải tiến hiệu quả hơn cho các hoạt động 5S sau này.

Cải tiến liên tục

Doanh nghiệp không thể cứ dậm chân mãi ở một chỗ, do đó mà những tiêu chuẩn để thực hiện 5S luôn cần được cải tiến liên tục qua từng giai đoạn.

Hãy nhìn vào cách mà các doanh nghiệp của Nhật Bản luôn phát triển hơn qua từng ngày đặc biệt là Toyota để thấy rằng, không phải tự nhiên mà họ đạt được thành công một cách lâu dài, họ phải luôn cải tiến không chỉ trong chất lượng sản phẩm mà cũng phải đảm bảo một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh để giữ vững được đội ngũ nhân sự chất lượng cho những dự án lâu dài của họ.

5 Yếu tố triển khai 5S thành công cho doanh nghiệp

Tóm lại

Phương pháp 5S rất quan trọng trong việc tối ưu hóa nơi làm việc. Nó giúp tăng năng suất làm việc, chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường làm việc an toàn, nhất quán giữa mọi người và nhiều lợi ích khác. Để áp dụng đúng 5S, doanh nghiệp liên hệ ngay với Học Viện PMS qua Hotline 0965 845 468 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email info@pms.edu.vn để được hỗ trợ tư vấn.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp khóa học hiểu và thực hành đúng 5S Kaizen, nhằm mang đến cho Học viên từ kiến thức nền tảng như hiểu được 5S là gì? Đến các nội dung chuyên sâu về quy trình và các giai đoạn để thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn 5S. Nhanh tay đăng ký ngay để được nhận ưu đãi Học miễn phí ngay nhé!

Đăng ký nhận bản tin

Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *