Sơ đồ chuỗi giá trị VSM là công cụ quan trọng thuộc hệ thống quản lý sản xuất tinh gọn. Vậy vai trò chính của nó đối với ngành sản xuất là gì? Các bước thực hiện ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về bản đồ luồng giá trị VSM thông qua bài viết dưới đây.
Sơ đồ chuỗi giá trị VSM là gì?
Sơ đồ chuỗi giá trị Value Stream Mapping là phương pháp lập bản đồ trực quan về chuỗi sản xuất của sản phẩm theo luồng của nhà máy. VSM sẽ phân tích trạng thái hiện tại cho chuỗi các quy trình và thiết kế và là công cụ hỗ trợ cho việc thiết lập kế hoạch cải tiến quy trình.
Quy trình trong bản đồ chuỗi giá trị VSM thông thường sẽ bắt đầu từ thời điểm khách bắt đầu đặt hàng hoặc thời điểm sản phẩm được lên kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường cho đến lúc mà khách hàng nhận được thành phẩm hoàn chỉnh.
Sơ đồ chuỗi giá trị VSM lần đầu tiên được biết đến trong cuốn sách “Installing Efficiency Methods” của chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Charles Edward Knoeppel vào năm 1918, về sau sơ đồ này càng ngày càng được biết đến rộng rãi hơn và được xem là tiền đề của hệ thống sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing, gắn liền với thương hiệu Toyota của Nhật bản.
Vai trò của sơ đồ Value Stream Mapping trong sản xuất
Biểu đồ chuỗi giá trị VSM đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động quản lý sản xuất, chúng nắm giữ một vai trò rất quan trọng giúp bộ phận sản xuất của doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình cũng như cải thiện hiệu suất làm việc cho toàn bộ hệ thống sản xuất.
Một số lợi ích chính mà Value Stream Mapping đem lại bao gồm:
Loại bỏ sự lãng phí
Sơ đồ VSM giúp nhà quản lý sản xuất xác định rõ những yếu tố không cần thiết gây lãng phí trong quy trình sản xuất để xác định phương án loại bỏ chúng và tối ưu hóa quy trình qua đó tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và giảm thiểu chi phí sản xuất.
Nâng cao chất lượng cho thành phẩm
Biểu đồ chuỗi giá trị VSM còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát hiệu quả chất lượng quy trình và sản phẩm được tạo ra. Thông qua những đợt kiểm tra chất lượng xuyên suốt quy trình, bản đồ chuỗi giá trị VSM giúp bộ phận sản xuất của tổ chức đảm bảo sản phẩm được thành phẩm cuối cùng sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết tạo cho khách hàng một trải nghiệm hài lòng nhất khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Tối ưu hóa luồng công việc
Sơ đồ chuỗi giá trị VSM sẽ đem lại cho doanh nghiệp cái nhìn tổng thể đối với luồng công việc từ lúc bắt đầu cho đến cuối quy trình sản xuất, giúp nhà quản lý sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp có thể quan sát, đánh giá một cách khách quan các bước nào cần phải được loại bỏ, điều chỉnh hay tối ưu hóa để giúp quy trình được hoạt động một cách trơn tru, hiệu quả hơn.
Tạo sự linh hoạt cho hệ thống sản xuất
Chính vì bản đồ phân tích luồng giá trị VSM có thể cung cấp cái nhìn tổng quan cho doanh nghiệp về toàn bộ hệ thống sản xuất. Nó sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp có thể thấy rõ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những bước và quy trình thực hiện, qua đó bộ phận sản xuất có thể linh hoạt trong việc thay đổi, điều chỉnh quy trình theo nhu cầu của thị trường, nhanh chóng thích nghi với những thay đổi từ môi trường vi mô và vĩ mô.
6 bước thực hiện sơ đồ chuỗi giá trị VSM
Bước 1: Xác định chuỗi giá trị
Bước đầu tiên để xây dựng biểu đồ chuỗi giá trị VSM là phải xác định rõ ràng chuỗi giá trị mà doanh nghiệp mong muốn được cải thiện và tối ưu hóa, tức là chọn một quá trình cụ thể mà doanh nghiệp cần phải có những tác động để thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần phải đánh giá một cách bao quát phạm vi của toàn bộ quy trình từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc để nhận biết được những điểm gây tắc nghẽn hoặc đang gây ra sự lãng phí không cần thiết.
Bước 2: Vẽ sơ đồ chuỗi vào thời điểm hiện tại
Ở bước này, để đánh giá hiệu suất cũng như xác định được những vấn đề một cách thật rõ ràng, cần phải thiết lập sơ đồ quy trình hiện tại của tổ chức. Sau đó doanh nghiệp sẽ thành lập một nhóm VSM bao gồm sự tham gia của những cá nhân chịu trách nhiệm cho việc quản lý, thiết lập quy trình hiện tại.
Người quản lý cấp cao của nhóm phân tích bản đồ chuỗi giá trị VSM cần là người dày dặn kinh nghiệm trong khâu quản lý sản xuất, nắm vững những kiến thức về hệ thống sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing.
Sau đó, trong sơ đồ quy trình cần phải liệt kê đầy đủ toản bộ nhiệm vụ cũng như chi phí, thời gian thực hiện cho từng công việc cụ thể, bao gồm cả thời gian chờ giữa những đầu công việc. Đó sẽ là cơ sở cho doanh nghiệp để xây dựng một bức tranh toàn cảnh và bao quát cho cả quy trình.
Bước 3: Đánh giá hiện trạng
Sau khi đã xây dựng xong sơ đồ chuỗi cho thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần tiến hành xem xét, phân tích và đánh giá những hoạt động hiện tại trong quy trình đang vận hành như thế nào. Chúng có đang tạo ra giá trị gia tăng về doanh thu hay đang khiến doanh nghiệp chịu những lãng phí không cần thiết.
Ngoài ra, cần phải xem xét những sản phẩm được làm ra theo quy trình này có đảm bảo an toàn và mang lại lợi ích tương xứng với nhu cầu của khách hàng hay không.
Những yếu tố đang gây ra sự ảnh hưởng tiêu cực cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp cần được xác định, ghi chú rõ ràng để loại bỏ khi tiến hành vẽ sơ đồ chuỗi VSM cho tương lai.
Bước 4: Vẽ sơ đồ chuỗi giá trị tương lai
Sau quá trình loại bỏ những lãng phí và sai sót từ việc đánh giá hiện trạng, doanh nghiệp cần tạo một sơ đồ để mô phỏng quy trình sản xuất VSM trong tương lai mà tổ chức mong muốn đạt được. Để làm được bước này một cách hiệu quả, nhà quản lý cần đặt ra một số câu hỏi và trả lời để thiết lập sơ đồ chuỗi giá trị tương lai chẳng hạn như:
- Đối thủ cạnh tranh họ sẽ làm gì để tinh giản quy trình nhất có thể?
- Có những hoạt động nào tương tự nhau có thể nhóm chúng lại thành một không?
- Những hoạt động nào đang vận hành quá phức tạp có thể tiến hành đơn giản hóa?
- Nút thắt cổ chai (bottleneck) trong quy trình có thể xảy ra ở đâu?
Ngày nay với sự phát triển hiện đại của nền tảng kỹ thuật số, công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể cân nhắc tiến hành số hóa quy trình thông qua phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP, hệ thống MES,…
Bước 5: Thiết lập kế hoạch cải tiến và thực hiện
Doanh nghiệp cần phải bắt đầu lên kế hoạch cụ thể để thực hiện theo quy trình đã được thiết lập trong sơ đồ chuỗi giá trị tương lai, một số công cụ trong Lean Manufacturing như Kaizen 5S, Just-In-Time và phương pháp Kanban có thể được sử dụng với mục đích tối ưu hóa quy trình.
Bước 6: Đánh giá hiệu quả và cải tiến không ngừng
Đây là bước để doanh nghiệp đánh giá quy trình Value Stream Mapping đã xây dựng liệu có hiệu quả hay không. Những tiêu chí thông thường mà doanh nghiệp sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp của sơ đồ chuỗi VSM trong tương lai bao gồm:
- Biểu đồ VSM liệu đã truyền tải đầy đủ mục tiêu mà tổ chức mong muốn chưa?
- Sự kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng trong VSM đã được thể hiện rõ ràng chưa?
- Những hoạt động tinh gọn từ bản đồ chuỗi giá trị VSM đã trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp của tổ chức hay chưa?
Ứng dụng của sơ đồ Value Stream Mapping trong sản xuất
Chẳng hạn như trong một doanh nghiệp chuyên sản xuất, thiết kế quần áo, sơ đồ chuỗi giá trị VSM của doanh nghiệp gồm các bước như sau:
Quá trình phác thảo, thiết kế sản phẩm: Bộ phận thiết kế sẽ phác thảo sản phẩm mới theo xu hướng trang phục đang thịnh hành trên thị trường, sau khi được phê duyệt ý tưởng, bản vẽ phác thảo trang phục sẽ được chuyển đến phòng sản xuất và bắt đầu lên phương án chuyển hóa thiết kế trên giấy trở thành trang phục thật sự.
Tiến hành sản xuất: Lúc này trang phục sẽ được sản xuất đồng loạt bởi các công nhân, kết hợp với một số quy trình được tự động hóa, trang phục được thành phẩm sẽ được vận chuyển vào kho hàng.
Quản lý kho hàng: Bộ phận quản lý kho sẽ đảm nhiệm trọng trách này để đảm bảo cập nhật kịp thời số lượng hàng có sẵn để cung cấp cho khách hàng.
Đóng gói: Sau khi có những đơn đặt hàng, trang phục được lưu kho sẽ được tiến hành đóng gói và chuẩn bị giao cho khách.
Vận chuyển: Quần áo sau khi được đóng gói sẽ được chuyển đến địa chỉ của người mua thông qua các đơn vị vận chuyển như bưu điện, Viettel Post hoặc một số nền tảng giao hàng từ các app mua sắm thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,…
Chế độ hậu mãi: Bộ phận CSKH của doanh nghiệp sẽ túc trực để tiếp nhận những hỗ trợ, giải quyết vấn đề chẳng may phát sinh và tạo sự gắn bó lâu dài giữa người mua và doanh nghiệp sau khi đơn hàng đã đến tay khách và được họ trải nghiệm, đánh giá.
Tại khóa học giám đốc chất lượng QMR, quý anh chị sẽ được thực hành những bài tập nghiên cứu tình huống dựa trên nhu cầu thiết lập và quản lý quy trình sản xuất mà doanh nghiệp mong muốn, qua đó nâng cao khả năng giải quyết vấn đề cũng như tận dụng tối đa những lợi thế mà sơ đồ chuỗi giá trị VSM mang lại cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Quý anh/chị quan tâm đến chương trình đào tạo QMR – Giám đốc chất lượng hãy nhấp vào đường dẫn để đăng ký khóa học hoặc liên hệ với PMS qua số hotline: 028 7300 6069 – 0965 845 468 để được đăng ký xếp lớp trong thời gian sớm nhất và nhận được những ưu đãi hấp dẫn từ chúng tôi nhé.
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS