Đầu đọc thẻ RFID là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong công nghệ RFID. Vậy có bao nhiêu loại đầu đọc, các tiêu chí nào mà doanh nghiệp cần lưu tâm khi lựa chọn thiết bị đọc và nó được ứng dụng trong thực tế ra sao. Cùng PMS tìm hiểu chi tiết hơn về đầu đọc RFID qua bài viết dưới đây.
Đầu đọc thẻ RFID là gì?
Đầu đọc thẻ RFID (RFID reader) là thiết bị được sử dụng trong việc thu thập các thông tin từ thẻ RFID truyền tải, nó còn được gọi là đầu đọc nhận dạng tần số vô tuyến do phương tiện vô hình sử dụng để truyền dữ liệu từ thẻ RFID đến đầu đọc là sóng vô tuyến.
Phân loại thiết bị RFID reader
Đầu đọc thẻ cố định
Đây là loại đầu đọc được đặt tại vị trí cố định và thẻ tag RFID phải được đặt trong phạm vi mà đầu đọc có thể phát hiện. Đây là loại đầu đọc thẻ thường được tích hợp vào các cổng vòm để những pallet chứa hàng hóa tồn kho có thể được ghi lại một cách tự động khi nó đi qua.
Đầu đọc thẻ di động
Đây là loại đầu đọc chạy bằng pin, kết nối không dây với hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu cho phép người dùng hệ thống đọc cũng như thay đổi thẻ RFID sau khi mà chúng được quét. Loại đầu đọc này thường có một hệ thống bàn phím giống như phím điện thoại di động để cho phép thẻ được cập nhật ngay lập tức.
Đầu đọc thẻ được gắn trên xe
Là loại đầu đọc thường được đặt trên những chiếc xe nâng pallet để có thể tự động đọc cũng như ghi lại vị trí, lộ trình di chuyển của hàng hóa khi nó được di dời sang một vị trí khác hay được chất lên một phương tiện khác để vận chuyển.
Đầu đọc RFID được kết nối như thế nào?
Bộ phận RFID reader được kết nối với hệ thống máy vi tính, máy chủ và có thể truyền nhận dữ liệu theo nhiều phương thức khác nhau bao gồm:
Bluetooth
Bluetooth là giao thức giúp thiết bị đọc RFID có thể kết nối với hệ thống máy chủ mà không cần phải có dây cáp. Những tùy chọn Bluetooth hầu như đều sẽ được tích hợp sẵn trên những thiết bị cầm tay để kết nối với những thiết bị thông minh như điện thoại hoặc tablet (máy tính bảng).
Wifi
Đầu đọc RFID được kết nối thông qua mạng Wifi được xem là một trong những giải pháp kết nối không dây vô cùng hiệu quả. Lợi thế mà Wifi đem lại khi kết nối mạng với RFID là nó có thể cho phép kết nối giữa thiết bị đọc với máy in và một số thiết bị thông minh khác.
LAN (mạng cục bộ)
Với việc kết nối đầu đọc RFID thông qua mạng cục bộ LAN, đầu đọc có thể tương tác với mọi chương trình và thiết bị nội bộ của công ty.
Trong trường hợp RFID reader không thể liên kết với một ứng dụng qua kết nối Wifi vì một lý do khách quan nào đó, thì hệ thống cổng kết nối LAN có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế kết nối đầu đọc để nó có thể hoạt động ổn định.
Cổng nối tiếp
Đây là loại cổng sử dụng USB hoặc cáp RS232 để kết nối trực tiếp với hệ thống máy chủ. Kết nối qua cổng nối tiếp giúp tối ưu những ứng dụng đơn giản với một đầu đọc RFID và hệ thống máy vi tính mà không cần phải có kết nối mạng internet cho đầu đọc.
Cổng phụ
Một số những thiết bị cầm tay cũng có thể kết nối với điện thoại hay máy tính bảng thông qua các cổng phụ chẳng hạn như cổng âm thanh. Việc sử dụng cổng phụ giúp đầu đọc RFID có thể kết nối với điện thoại phòng trường hợp những kết nối Bluetooth đang cần được sử dụng cho một thiết bị khác (Bluetooth chỉ có thể kết nối giữa 2 thiết bị lẫn nhau).
Tiêu chí lựa chọn loại đầu đọc RFID phù hợp
Để lựa chọn được đầu đọc thẻ RFID phù hợp, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng những loại thẻ trong môi trường cũng như loại sản phẩm được sản xuất cần được gắn thẻ chất liệu ra sao. Dưới đây sẽ là những tiêu chí mà bạn đọc có thể tham khảo để lựa chọn đầu đọc RFID phù hợp nhất:
- Bề mặt để gắn thẻ có chất liệu là gì (kim loại, gỗ, nhựa,…)
- Phạm vi đọc của đầu đọc là bao xa, có phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình không?
- Giới hạn về kích thước thẻ ra sao?
- Điều kiện môi trường nhà máy ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ của từng loại hệ thống RFID. (Độ nóng, độ lạnh, độ ẩm,…)
- Phương thức gắn đầu đọc (Sử dụng keo, đinh, vít, dây cáp hay Epoxy,…)
Giá đầu đọc thẻ RFID bao nhiêu?.
Tùy vào loại đầu đọc mà doanh nghiệp áp dụng mà chúng sẽ có mức giá thành khác nhau, đối với đầu đọc RFID cố định thiết kế dưới dạng máy tính giá ước tính của nó rơi vào khoảng 60 triệu cho đến 125 triệu đồng.
Trong khi với các dạng đầu đọc thiết kế đơn giản hơn (Không sử dụng bàn phím và màn hình, chỉ chứa đầu đọc) chỉ hỗ trợ kết nối Bluetooth thay vì Wifi nên giá thành sẽ thấp hơn (Từ 20 triệu cho đến 50 triệu đồng tùy vào thương hiệu và độ mới của thiết bị)
Ngoài chi phí riêng cho đầu đọc RFID, còn có các chi phí liên quan đến bộ sạc (Với đầu đọc di động) và một số chi phí bổ sung khác cho cả một hệ thống (Thẻ RFID, ăng – ten, máy in,…).
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các chi phí bổ sung kể trên, bạn đọc có thể tham khảo bài viết chi phí triển khai hệ thống RFID khoảng bao nhiêu tiền?
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS