BOM là một nhiệm vụ quan trọng, giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng các bộ phận luôn có sẵn cần thiết cho quá trình rắp láp hay sản xuất. Nếu BOM không chính xác, nó có thể khiến quá trình sản xuất bị trì trệ. Hậu quả là chi phí vận hành tăng và sản phẩm đầu ra không đạt chất lượng.
Nghe đến đây có lẽ bạn đã hiểu phần nào tầm quan trọng của công việc này. Vậy để hiểu rõ hơn về BOM là gì, cũng như đi sâu vào diễn giải từng loại BOM cụ thể. Mời bạn cùng tìm hiểu điều đó tại bài viết này nhé.
BOM là gì?
BOM là viết tắt của cụm từ Bill of Materials – được hiểu là “Định mức nguyên liệu” hay “Hóa đơn nguyên vật liệu”. Tìm hiểu ý nghĩa của khái niệm này theo Wikipedia như sau:
Hóa đơn nguyên vật liệu (đôi khi là định mức nguyên vật liệu, BOM) là danh sách các nguyên liệu thô, cụm lắp ráp, cụm trung gian, thành phần phụ, bộ phận và số lượng của mỗi loại cần thiết để sản xuất một sản phẩm cuối.
Dễ hiểu hơn thì bạn có thể hình dung rằng, BOM là một bản ghi có liệt kê danh sách tất cả nguyên vật liệu, thiết bị, công cụ lắp ráp… cũng như số lượng của mỗi thành phần cần thiết để sản xuất hoặc thiết kế ra một sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, BOM cũng bao gồm các hướng dẫn để sử dụng hay mua sắm công cụ thiết bị. Vậy nên đôi lúc nó cũng được gọi là cấu trúc sản phẩm, danh sách thành phần lắp ráp hoặc công thức sản xuất (tùy thuộc vào từng đặc điểm của các ngành công nghiệp sản xuất).
Vai trò của BOM trong quy trình quản lý sản xuất
Bảng định mức nguyên vật liệu BOM giúp quá trình sản xuất trở nên chính xác và đạt hiệu quả nhờ việc vạch ra một kế hoạch chi tiết để có thể dễ dàng theo dõi. Cụ thể, vai trò của BOM có thể giúp doanh nghiệp trong một số khía cạnh như:
- Giúp trực quan hóa, từ đó dễ dàng lập kế hoạch mua nguyên vật liệu thô.
- Theo dõi và dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu, xác định vòng quay hàng tồn kho.
- Ước lượng chi phí vật liệu phải trả cho nhà cung cấp.
- Quản lý kho hiệu quả.
- Cảnh báo tình trạng thiếu hụt vật liệu cũng như thời gian dừng máy đột xuất.
- Kiểm soát ngân sách.
- Đảm bảo tiến độ sản xuất.
- Quản lý và lưu trữ hồ sơ.
- Tiết giảm lãng phí.
- Xác định nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm.
- Thay thế các thiết bị lỗi một cách nhanh chóng.
- Phát hiện lỗ hổng phần mềm.
- Cải thiện an toàn chuỗi cung ứng.
Thêm vào đó, BOM cũng đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp đang thực hiện quy trình sản xuất Lean hay cải tiến liên tục Kaizen. Nhờ vào việc định mức nguyên vật liệu từ đầu, BOM giúp phát hiện kịp thời và tránh các sai lỗi gây lãng phí có thể xảy ra.
Một số loại BOM phổ biến
mBOM – Manufacturing Bill of Materials
Định mức vật liệu sản xuất (mBOM) bao gồm một danh sách toàn diện của tất cả thông tin các bộ phận và lắp ráp cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện.
mBOM cũng bao gồm thông tin về các thành phần cần xử lý trước khi lắp ráp và giải thích sự liên quan của các bộ phận khác nhau trong 1 thiết bị.
Thông tin trong BOM sản xuất được chia sẻ với tất cả các hệ thống kinh doanh tích hợp liên quan đến việc đặt hàng và xây dựng sản phẩm bao gồm: hệ thống quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP), kế hoạch yêu cầu vật liệu (MRP) và hệ thống điều hành sản xuất (MES).
eBOM – Engineering Bill of Materials
Định mức nguyên vật liệu kỹ thuật eBOM giúp xác định các thành phần lắp ráp và bộ phận được thiết kế bởi bộ phận kỹ thuật. Nó giống như một bản đồ hướng dẫn, giúp hiển thị các thành phần và cách chúng hoạt động như thế nào.
Thông thường eBOM được đội ngũ thiết kế tạo ra bằng các phần mềm chuyên dụng. Và vì trong quá trình đó, có thể sản phẩm thường xuyên có sự thay đổi nên việc xuất hiện nhiều phiên bản eBOM là điều dễ hiểu.
Production BOM
Production BOM là một bảng thể hiện danh sách chi tiết về nguyên liệu và thành phần cụ thể cần thiết trong quá trình sản xuất sản phẩm. Được sử dụng để hướng dẫn quá trình lắp ráp và sản xuất. Nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về các nguyên liệu, bộ phận và quy trình lắp ráp, giúp đảm bảo rằng mọi bước sản xuất được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả.
Single – Level BOM
Hay còn gọi là BOM đơn cấp, đây là một danh sách liệt kê các thành phần như: bộ phận linh kiện, máy móc thiết bị cần thiết cho việc lắp ráp, sau đó ghi nhận số lượng tương ứng cần thiết cho mỗi sản phẩm cụ thể. Ưu điểm của Single – Level BOM là dễ hiểu và dễ xây dựng.
Tuy nhiên, loại BOM này không phù hợp cho các trường hợp phức tạp vì nó không chỉ định mối quan hệ giữa các bộ phận, ví dụ như nó không thể hiện được thiết bị này được bắt nối với động cơ nào. Hay khi một sản phẩm mới gặp sự cố, việc BOM đơn cấp xác định thành phần cần phải thay thế hoặc sửa chữa gặp nhiều khó khăn.
3Multi – level BOM
So với đơn cấp thì loại BOM đa cấp này phức tạp hơn và cần nhiều công sức hơn để xây dựng nó. Nên tất nhiên rằng, nó cung cấp thông tin chi tiết và cụ thể hơn về bộ phận được thiết kế và lắp ráp trong sản phẩm.
Nhờ việc phân chia thành các cấp độ khác nhau, mỗi chi tiết điều được thể hiện rõ ràng, có vị trí riêng biệt. Nên khi muốn biết tổng số vật liệu cần dùng, tính toán chi phí hay thay thế vật liệu hư hỏng đều trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
-> Đọc thêm: Phương pháp DMAIC là gì? Lợi ích và các bước thực hiện
Các thành phần cốt lõi của Bill of Materials
- Cấp độ (Levels): BOM thường chứa nhiều cấp độ. Số cấp của BOM giải thích vị trí của bộ phận đó trong cấu trúc BOM.
- Tên bộ phận (Part name): Ghi chép tên bộ phận giúp nhà sản xuất xác định bộ phận và nắm bắt thông tin về nó.
- Mã bộ phận (Part number): Mã số bộ phận được sử dụng làm từ viết tắt để tham chiếu và xác định các bộ phận. Một mã bộ phận được thiết kế bài bàn thường chứa thông tin về bộ phận đó. Ví dụ, mã HSC0424OP của một con ốc cho biết: H – linh kiện, S – ốc máy, C0424 – chiều dài, OP – kiểu đầu ốc.
- Tên nhà sản xuất (Manufacturer name): Liệt kê tên nhà sản xuất giúp xác định nguồn gốc của bộ phận.
- Giai đoạn của bộ phận (Part phase): Chỉ ra giai đoạn của mỗi bộ phận trong chu kỳ sản phẩm. Ví dụ, một bộ phận mới có thể ở giai đoạn chưa phát hành hoặc đang thiết kế.
- Bộ phận thay thế (Alternate parts): Cho biết liệu có thể thay thế một bộ phận không có sẵn cho một bộ khác được không.
- Phân tích độ ưu tiên (Priority analysis): Xác định những bộ phận quan trọng và ưu tiên mua sắm. Ví dụ, các thành phần có chi phí sản xuất lớn hay cần thiết để sử dụng.
- Mô tả (Description): Cung cấp chi tiết về thông số các bộ phận và giúp người đọc phân biệt giữa các công cụ tương tự qua màu sắc và kích thước.
- Số lượng (Quantity): Chỉ ra số lượng các thành phần cần thiết. Đơn vị đo lường nên được định nghĩa cho mỗi loại bộ phận.
- Thông số mua sắm (Procurement specification): Mô tả cách mà các bộ phận được mua và sản xuất. Các đặc điểm P, M và C thường được sử dụng. Các ký hiệu đó lần lượt là: mua, sửa đổi và tùy chỉnh.
- Nhận xét và ghi chú (Comments and notes): Đây là nơi để ghi lại những thay đổi và ghi chép lại trong khi thực hiện dự án. Ghi chú có thể bao gồm hình ảnh và sơ đồ của một bộ phận hoặc lắp ráp.
Thông qua danh sách toàn diện về tất cả bộ phận và vật liệu cần thiết để xây dựng một sản phẩm, vai trò của BOM là vô cùng quan trọng để tiết giảm lãng phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo sự sẵn có của các bộ phận cần thiết. Ngoài ra, BOM còn giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu suất và giám sát công việc quản lý chi phí vận hành một cách bài bản.
Đăng ký nhận bản tin
Hãy gửi thông tin để không bỏ sót bất kỳ tin tức hoặc chương trình khuyến mãi từ Học Viện PMS